Vì sao người suy thận mạn không nên ăn hoa quả nhiều kali?

NDO - Sau khi ăn nửa trái xoài, người bệnh có tiền sử suy thận mạn rơi vào trạng thái khó thở, đau ngực, nôn ói liên tục, phải lọc máu cấp cứu. 
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh nhân được lọc máu cấp cứu.
Bệnh nhân được lọc máu cấp cứu.

Tối 22/4, anh N.TV. ăn nửa trái xoài. Vừa ngủ dậy, anh mệt lả người, đau ngực, khó thở, không ngồi được nên gọi người nhà đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh. Trên xe đến bệnh viện, anh nôn ói liên tục.

Bác sĩ chuyên khoa I Tôn Minh Trí tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng khó thở, da sạm đen, huyết áp tăng 145/95 mgHg (bình thường 120/80mmHg). Gia đình cho biết anh bị suy thận mạn giai đoạn 5, lọc máu (chạy thận) định kỳ 3 lần mỗi tuần.

Kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu để đánh giá chức năng lọc của thận ghi nhận anh V. suy thận cấp trên nền suy thận mạn giai đoạn 5.

Ngay lập tức, người bệnh được dùng thuốc hạ kali máu và chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) để lọc máu cấp cứu. Sau 8 tiếng, người bệnh khỏe, ăn uống bình thường trở lại, được xuất viện và tiếp tục chạy thận định kỳ.

Bác sĩ Trí cho biết, suy thận mạn tính là tình trạng chức năng thận bị suy giảm hoặc ngừng hoạt động, không thể đào thải các chất độc và dịch thừa ra khỏi máu.

Nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn là tăng huyết áp, hội chứng thận hư, sỏi thận, viêm cầu thận, biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường… Uống nhiều nước ngọt làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp…

Khi huyết áp không được kiểm soát trong thời gian dài, các mạch máu trong cơ thể bị tổn thương, giảm lượng máu cung cấp đến thận, phá hủy bộ lọc ở cầu thận. Nước ứ thừa trong mạch máu ngày một nhiều làm huyết áp lại càng tăng cao hơn.

Đặc biệt, thức uống có ga chứa axit photphoric làm thay đổi thành phần nước tiểu, thúc đẩy sỏi thận dẫn đến suy thận mạn tính.

Bác sĩ Trí cho biết, các giai đoạn đầu, bệnh suy thận mạn tính thường không có triệu chứng rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Đến khi xuất hiện các triệu chứng: sạm da, đau lưng, tiểu ít, phù nề… bệnh đã ở giai đoạn 5, phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để tiếp tục sự sống.

Do đó, bác sĩ Trí khuyên người dân cần hạn chế uống nước ngọt, thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu, nước tiểu để kiểm tra chức năng thận.

Với người bệnh thận (viêm cầu thận, sỏi thận…) không nên uống nước ngọt, tránh bệnh tiến triển đến suy thận. Với người suy thận, cần uống thuốc, ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh suy thận đang lọc máu cần tuân thủ chế độ ăn uống chặt chẽ.

Cụ thể, người bệnh nên ăn: ớt chuông đỏ, bắp cải, súp lơ, tỏi, hành tây, ức gà… Tuyệt đối hạn chế ăn trái cây, rau củ nhiều nước và dùng các loại thuốc dân gian, đông y… sẽ tăng kali khiến người bệnh ngưng tim, dễ tử vong. Trước khi ăn rau, củ luộc cần vắt ráo nước.

Một số loại trái cây nhiều kali cần tránh như xoài chua, trái cây khô, sầu riêng, bưởi, mít, chanh, nước cam, chuối, cà chua, bí đỏ, rau muống…