Mali trục xuất lực lượng nước ngoài khỏi căn cứ sân bay ở Bamako

Ngày 2/8, Mali đã ra lệnh cho 1 hãng hàng không tư nhân trục xuất các binh sĩ nước ngoài, bao gồm cả các lực lượng của Liên hợp quốc (LHQ), ra khỏi căn cứ sân bay Bamako, sau tranh cãi về vụ nước này bắt giữ 49 binh sĩ Bờ Biển Ngà hồi tháng trước với cáo buộc là "lính đánh thuê" nhằm lật đổ chính quyền quân sự ở Mali.
0:00 / 0:00
0:00
Binh sĩ Mali tuần tra trên đường phố thủ đô Bamako. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)
Binh sĩ Mali tuần tra trên đường phố thủ đô Bamako. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Người đứng đầu bộ phận sân bay của Bộ Giao thông Vận tải Mali tuyên bố rằng, tất cả "lực lượng nước ngoài" phải rời căn cứ Cơ quan Hàng không Sahel (SAS) tại sân bay Bamako "trong vòng 72 giờ" kể từ ngày 2/8.

Tuyên bố cho biết, "nơi ở và tiếp nhận" binh sĩ nước ngoài của SAS "tạo ra rủi ro cho an ninh cả trong lẫn ngoài" Mali và không được phép sử dụng căn cứ này theo thỏa thuận mà công ty đã ký vào năm 2018 về sử dụng căn cứ.

Động thái trên diễn ra sau vụ 49 binh sĩ Bờ Biển Ngà bị bắt giữ tại sân bay Bamako vào ngày 10/7, gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Mali, Bờ Biển Ngà và Liên hợp quốc.

Mali đã bắt giữ 49 binh sĩ Bờ Biển Ngà với cáo buộc là "lính đánh thuê" nhằm lật đổ chính quyền quân sự ở nước này. Tuy nhiên, Bờ Biển Ngà khẳng định những binh sĩ này được cử đi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA).

Mali sau đó đã trục xuất phát ngôn viên của MINUSMA với cáo buộc ông đưa "thông tin sai lệch" về vụ tranh cãi trên trong một loạt bài đăng trên Twitter ngày 11/7.

Theo quân đội Bờ Biển Ngà, trung tâm sân bay SAS đóng vai trò như "cơ sở hậu cần" cho một số đối tác quốc tế của Mali, bao gồm các binh lính Bờ Biển Ngà cũng như các lực lượng của Đức, Áo, Bỉ, Thụy Điển và Pakistan được triển khai trong các nhiệm vụ quốc tế.