Mali trong vòng xoáy khủng hoảng chính trị

Chính quyền Mali vừa ra lệnh trục xuất người phát ngôn Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Mali (MINUSMA). Động thái bất ngờ này của Mali nhằm vào các đối tác quốc tế có nguy cơ đẩy quốc gia Tây Phi vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị.
0:00 / 0:00
0:00
Binh sĩ thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (MINUSMA) tuần tra tại Timbuktu (Mali). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sĩ thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (MINUSMA) tuần tra tại Timbuktu (Mali). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quyết định trục xuất được đưa ra sau khi nhà chức trách Mali cáo buộc Người phát ngôn MINUSMA Olivier Salgado, quốc tịch Pháp, đăng "thông tin không thể chấp nhận" trên mạng xã hội Twitter. Chính phủ Mali thông báo với Phó đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Daniela Kroslak, về quyết định của Bamako yêu cầu ông Olivier Salgado rời khỏi lãnh thổ Mali trong vòng 72 giờ.

Với tư cách là Người phát ngôn Liên hợp quốc tại Mali kể từ khi MINUSMA được thành lập vào năm 2013, ông Olivier Salgado đã đăng tải các thông tin về trường hợp 49 binh sĩ Côte d’Ivoire bị bắt ở Bamako. Những người này được phía Mali mô tả là lính đánh thuê được phái tới lật đổ chính quyền quân sự, trong khi Côte d’Ivoire khẳng định họ là những binh sĩ thuộc Lực lượng hỗ trợ quốc gia (NSE) được triển khai sau khi Liên hợp quốc cho phép các lực lượng gìn giữ hòa bình sử dụng các nhà thầu bên ngoài cho nhiệm vụ hậu cần.

Theo bài đăng trên Twitter của người phát ngôn viên MINUSMA, thông tin về việc thay thế lực lượng Côte d’Ivoire của phái bộ đã được thông báo trước cho các cơ quan chức năng Mali. Tuy nhiên, chính quyền Bamako đã phủ nhận điều này. Bộ Ngoại giao Mali tuyên bố, việc luân chuyển của MINUSMA đang bị đình chỉ, bao gồm cả những hoạt động đã lên kế hoạch.

Quyết định trục xuất người phát ngôn Liên hợp quốc của chính quyền Mali, dù vì bất cứ lý do nào, cũng bị giới phân tích đánh giá là hành động "lửa đổ thêm dầu", có nguy cơ đẩy tình hình an ninh và chính trị ở quốc gia Tây Phi, vốn bất ổn cả chục năm qua, vào một vòng xoáy khủng hoảng. Ngay sau khi nhận được thông tin, từ New York, Liên hợp quốc bày tỏ vô cùng lấy làm tiếc về quyết định này.

Phó phát ngôn Liên hợp quốc Farhan Haq nhấn mạnh rằng, nguyên tắc "cá nhân không được chào đón" trong quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia với nhau không áp dụng cho các nhân viên Liên hợp quốc, đồng thời cảnh báo tổ chức đa phương lớn nhất thế giới sẽ cân nhắc các biện pháp đáp trả đối với Mali.

Đây không phải lần đầu chính quyền Mali có hành động cứng rắn nhằm vào các tổ chức quốc tế. Trước đó, giữa tháng 7/2022, Bamako thông báo đình chỉ hoạt động luân chuyển của Phái bộ MINUSMA vì lý do an ninh quốc gia. Hiện chưa rõ thời gian tiến hành đàm phán về việc luân chuyển MINUSMA, song phía Mali khẳng định sẽ làm việc tích cực để tạo điều kiện thuận lợi cho việc dỡ bỏ quyết định đình chỉ này.

Chính quyền quân sự ở Mali coi đây là việc làm cần thiết để bảo đảm MINUSMA thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Về phần mình, MINUSMA ra tuyên bố rằng, phái bộ lưu ý về quyết định của Mali và sẵn sàng tham gia ngay các cuộc đàm phán.

Quyết định trục xuất người phát ngôn MINUSMA được coi là khó hiểu, được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ghi nhận sự tiến bộ tích cực trong tiến trình chính trị ở quốc gia Tây Phi, điển hình là Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) vừa quyết định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính áp đặt đối với Mali. T

in vui tới từ ECOWAS là kết quả của việc chính quyền quân sự đưa ra lộ trình chuyển tiếp dân sự trong vòng 24 tháng, thay vì 5 năm như trước đây và công bố luật bầu cử mới. ECOWAS và cộng đồng quốc tế cũng đánh giá cao thái độ tích cực của chính quyền Mali trong dàn xếp bất đồng nội bộ để tập trung vào hoạt động truy quét phiến quân.

Giới phân tích chính trị hy vọng chính quyền Mali sẽ sớm có hành động tích cực nhằm khôi phục quan hệ với Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế. Bởi với sự hỗ trợ tích cực của Phái bộ MINUSMA, quân đội Mali mới có nhiều cơ hội truy quét các phần tử khủng bố, mang lại sự ổn định, an ninh cho đất nước và người dân quốc gia Tây Phi.