Nguy cơ diễn biến nặng khi mắc tay chân miệng độ 2
Miền nam ghi nhận số ca mắc tay chân miệng mới đang có xu hướng tăng từ cuối tháng 4 đến nay. Trong đó, đáng chú ý là số ca nặng và số ca tử vong do tay chân miệng đang gia tăng và cao hơn cùng kỳ năm trước.
Hoạt động giám sát tại khu vực phía nam ghi nhận hơn 50% mẫu bệnh phẩm tay chân miệng là chủng Enterovirus 71 (EV71). Đây là chủng có đặc tính lây lan nhanh và độc lực cao, làm tăng ca nặng, là tác nhân gây các ổ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018. Từ đầu năm đến nay đã có 7 trẻ tử vong vì tay chân miệng ở phía nam.
Tại miền bắc cũng ghi nhận nhiều ca mắc tay chân miệng diễn biến nặng, trong đó chủ yếu biến chứng do mắc chủng EV71. Trong 6 tháng đầu năm, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận gần 500 trẻ mắc tay chân miệng nhập viện. Trong số đó, có 20%-30% trường hợp là nhiễm chủng virus EV71.
Theo các chuyên gia, bệnh tay chân miệng diễn tiến nhanh, cho nên quan trọng là phải kịp thời nhận biết dấu hiệu chuyển nặng để xử trí, chuyển tuyến kịp thời.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tay chân miệng độ 2 là giai đoạn bệnh chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng hơn, có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời.
Tay chân miệng được chia làm 4 cấp độ tương ứng với mức độ nghiêm trọng của bệnh:
Tay chân miệng cấp độ 1: Bệnh ở mức độ nhẹ với các tổn thương ngoài da, loét miệng.
Tay chân miệng cấp độ 2: Bệnh trở nên nặng hơn, bắt đầu gây ra các biến chứng về hệ thần kinh, tim mạch nhẹ.
Tay chân miệng cấp độ 3: Bệnh gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng nặng đến thần kinh, tim mạch và hô hấp.
Tay chân miệng cấp độ 4: Bệnh ở giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng với các triệu chứng sốc, đe dọa tử vong ở trẻ.
Bác sĩ Tùng nhấn mạnh, các cha mẹ cần có kiến thức cần thiết về các cấp độ tay chân miệng, nhất là bệnh ở cấp độ 2. Theo đó, bệnh tay chân miệng cấp độ 2 được chia làm 2 nhóm với các triệu chứng thường gặp sau:
Tay chân miệng dạng 2a thường sẽ xuất hiện sau khoảng 48 giờ kể từ khi bệnh xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.
Triệu chứng của tay chân miệng độ 2a gồm: Giật mình đột ngột với tần suất dưới 2 lần/30 phút (trẻ có thể giật mình khi đang chơi, đang ngủ, không liên quan đến các yếu tố bên ngoài như âm thanh lớn,..); cơn sốt trở nên nặng dần, từ dưới 38,5 độ C lên trên 39 độ C.
Sốt cao kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi đã dùng thuốc hạ sốt; trẻ có biểu hiện nôn trớ khi ăn, khi bú; trẻ ủ rũ, mệt mỏi, mắt lờ đờ; quấy khóc nhiều, trung bình 15-20 phút/lần, diễn ra nhiều hơn vào ban đêm.
Ảnh minh họa. |
Tay chân miệng độ 2b là tình trạng bệnh đang dần trở nên nặng hơn với các triệu chứng dễ nhận biết gồm: Nhóm 1: Trẻ giật mình trên 2 lần/30 phút kèm theo các triệu chứng mạch đập nhanh trên 130 lần/phút, có xu hướng muốn ngủ nhiều hơn.
Nhóm 2: Sốt cao trên 39.5 độ C, không có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi đã dùng thuốc hạ sốt, mạch đập trên 150 lần/phút, run người, run tay chân, chi yếu, đi loạng choạng, giọng nói thay đổi, mắt chuyển lác.
Tay chân miệng cấp độ 2 xảy ra do sự tấn công của virus nhóm đường ruột. Coxsackievirus (A16) và Enterovirus 71 (EV71) là hai chủng virus thường gặp gây ra các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, phát ban,…ở trẻ bị tay chân miệng.
Các virus gây bệnh tay chân miệng sống trong đường tiêu hóa và có thể lây lan trực tiếp từ người này sang người khác qua tiếp xúc với các giọt bắn có chứa Virus được người bệnh phát tán khi ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc do tiếp xúc với dịch tiết từ các nốt mụn nước khi chúng bị vỡ ra, chất nôn, phân của người bệnh.
"Bệnh tay chân miệng cấp độ 2 vẫn được đánh giá là cấp độ bệnh nhẹ. Bệnh có thể được chữa khỏi tại nhà trong khoảng 7-10 ngày nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu chuyển biến sang cấp độ 2b, trẻ cần được đưa đến bệnh viện khẩn cấp để được hỗ trợ", bác sĩ Tùng khuyến cáo.
Trong một số trường hợp, bệnh tay chân miệng cấp độ 2 gây ra các biến chứng nguy hiểm, liên quan đến hô hấp, tim mạch và thần kinh của trẻ như viêm màng não, viêm nhu mô não, viêm thân não, viêm não, viêm não tủy,… Các biến chứng này có thể gây ra nhiều tổn thương không thể hồi phục, thậm chí gây tử vong ở trẻ nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.
Biến chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng
Điều trị tay chân miệng độ 2
Tay chân miệng cấp độ 2 hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị bệnh thường sẽ dựa vào các nguyên tắc: Các phương pháp điều trị hiện có chỉ tập trung vào điều trị triệu chứng. Thuốc kháng sinh không được sử dụng trong điều trị bệnh tay chân miệng, trừ các trường hợp xuất hiện bội nhiễm do vi khuẩn.
Trẻ mắc bệnh cần được theo dõi chặt chẽ các triệu chứng nhằm phát hiện và xử lý sớm các biến chứng, giảm tối đa tổn thương do bệnh gây ra. Thực hiện chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh nhằm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ.
Theo bác sĩ Duy Tùng, tùy thuộc vào các yếu tố như: tình trạng bệnh của trẻ, độ tuổi, tiền sử bệnh,… bác sĩ sẽ cân nhắc và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Để bảo đảm an toàn và xử lý kịp thời các biến chứng nguy hiểm (nếu có), trẻ bị tay chân miệng độ 2 thường sẽ được yêu cầu điều trị tại bệnh viện.
Nguy cơ xảy ra biến chứng ở trẻ bị tay chân miệng cấp độ 2b cao, do đó, bố mẹ cần chú ý: Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, kê gối cao cho trẻ sao cho đầu cao hơn người 30 độ; hạ sốt tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ; theo dõi chặt chẽ nhiệt độ, huyết áp, mạch đập, tri giác, nhịp thở của trẻ nhằm phát hiện và xử lý sớm các bất thường nếu có.