Thành phố Hồ Chí Minh: Số ca mắc tay chân miệng tăng 23% so với cùng kỳ năm trước

NDO - Các tỉnh khu vực phía nam ghi nhận sự gia tăng mạnh của bệnh tay chân miệng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ bệnh diễn biến nặng cũng tăng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh nhi phải can thiệp tích cực do mắc tay chân miệng.
Bệnh nhi phải can thiệp tích cực do mắc tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bệnh tay chân miệng đang ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mới ở khu vực phía nam, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đã có 5 ca tử vong xác định do chủng Enterovirus 71 (EV71), 2 trường hợp tử vong khác.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng mạnh trong 3 tuần gần đây tại dù thời điểm hiện tại chưa phải vào mùa cao điểm. Đặc biệt trong đó số ca diễn biến nặng tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước.

Những năm trước phải đến tháng 8, 9 bệnh tay chân miệng mới tăng, khi trẻ bắt đầu nhập học năm học mới. Nhưng năm nay đến thời điểm này bệnh đã tăng, và có thể đạt điểm đỉnh dịch trong thời gian tới. Bệnh cũng diễn biến phức tạp.

Điều đặc biệt, hầu hết các ca nhập viện đến từ các tỉnh lân cận, trong đó nhiều bé nhập viện khi tình trạng bệnh đã ở mức độ 3.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, những ngày qua tiếp nhận hơn 10 bé bệnh tay chân miệng nặng phải thở máy, trong khi 2 tuần trước không có ca nào cần hồi sức tích cực.

Ngày 21/6, bệnh viện nhận liên tiếp 5 ca tay chân miệng rất nặng, được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Ngoài ra, hơn 60 bé mức độ ít nặng hơn đang điều trị tại Khoa Nhiễm-Thần kinh.

Có những trường hợp nguy kịch, ngưng thở, bác sĩ phải phối hợp nhiều biện pháp để cứu sống.

"Một tuần trước, chúng tôi tiếp nhận bé gái 14 tháng tuổi. 3 ngày, bé đầu sốt nhẹ, xuất hiện hồng ban ở bàn tay, bàn chân kèm loét họng. Sau đó bé bớt sốt nhưng ngủ hay giật mình. Đến ngày thứ 5, bé giật mình chới với nhiều khi ngủ, gia đình đưa vào viện nhưng diễn tiến nhanh dẫn đến suy hô hấp, ngưng thở.

Chúng tôi phải đặt nội khí quản và chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực để thở máy song trụy tim mạch, mạch nhanh, tụt huyết áp, đe dọa tính mạng. Chúng tôi đã phải dùng thuốc vận mạch trợ tim, truyền dịch chống sốc và lọc máu cấp cứu", bác sĩ Hùng cho hay.

Theo báo cáo của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An…, tỷ lệ ca mắc tay chân miệng trên 100.000 dân cao so với năm trước và so với trung bình 5 năm vừa qua. Đây cũng là những tỉnh có tỷ lệ ca nặng cao.

Theo chuyên gia này, tay chân miệng là bệnh theo mùa và diễn tiến nặng khá nhanh, nhiều phụ huynh chủ quan khi thấy trẻ chỉ có biểu hiện nhẹ nên không đưa đến các cơ sở y tế thăm khám, khi nhập viện trẻ đã trở nặng.

Hạn chế thấp nhất tình trạng lây lan, phát tán ổ dịch

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc tay chân miệng mang chủng EV71 chiếm ưu thế.

Đặc biệt, phân độ tay chân miệng hiện chưa được báo cáo rõ ràng, 81% ca bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa được phân bổ lâm sàng, gây ảnh hưởng đến đánh giá lâm sàng, xác định xu hướng bệnh tật.

"Có 50% người lớn mắc bệnh nhưng không có triệu chứng, đây là nguồn lây quan trọng nhưng vì không có triệu chứng nên rất dễ lây sang trẻ em. Nhiều trường hợp khác cũng mắc bệnh nhưng biểu hiện không rõ ràng. Do vậy, cần lưu ý đưa chẩn đoán quan tâm phát hiện sớm, trẻ nhập viện sớm phòng biến chứng, tử vong", ông Thượng cho biết.

Chia sẻ về tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết thành phố và Bộ Y tế đã có những kịch bản cho tình hình hiện tại. Các cơ sở y tế đều có kế hoạch, chủ động điều trị và phối hợp với nhau. Trong trường hợp xấu, bệnh tăng nhanh vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, ông cũng đề nghị các chuyên gia đầu ngành cần đóng góp ý kiến, hướng dẫn thêm cho các cơ sở y tế để phát hiện sớm các ca mắc hạn chế tình trạng bệnh trở nặng và tử vong. Phòng bệnh cho trẻ từ trong nhà trường, hạn chế tình trạng lây lan, phát tán ổ dịch

Ghi nhận tình hình thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao công tác điều trị bệnh tay chân miệng nói riêng và các dịch bệnh khác của Bệnh viện Nhi đồng 1, giúp giảm biến chứng, tử vong ở trẻ em.

Thứ trưởng nhận định với tình hình dịch bệnh hiện tại, thành phố cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục đến người dân. Đặc biệt, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phải phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo để giáo dục, phòng bệnh cho trẻ từ trong nhà trường. Hạn chế tình trạng lây lan, phát tán các ổ dịch trong trường học.

Tuy nhiên, trước tình hình phần lớn ca bệnh đều đến từ các tỉnh lân cận, Thứ trưởng cho rằng các bệnh viện, đặc biệt là 4 bệnh viện truyền nhiễm ở Thành phố Hồ Chí Minh phải hỗ trợ và phối hợp với bệnh viện các địa phương để có phân tuyến khoa học, phù hợp. Ca bệnh ở mức độ nào thì nên chuyển lên tuyến trên, ca nào thì có thể điều trị được ở địa phương để tránh tình trạng quá tải.

Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ ngành địa phương tham gia phòng chống dịch, tay chân miệng. Còn các cơ sở địa phương phải chủ động phòng chống bệnh, đã phân luồng, phân loại bệnh nhân, hỗ trợ bệnh nhân chuyển tuyến phù hợp.