Cụ thể, theo báo cáo Tình hình tài nguyên nước toàn cầu dựa trên dữ liệu trong 33 năm qua, hạn hán kéo dài đã làm giảm lưu lượng sông ở nhiều vùng.
Tại châu Mỹ, lưu vực các sông Mississippi và Amazon đều chạm mức thấp kỷ lục trong năm 2023. Tại châu Á, lưu vực các sông Hằng, Mê Kông cũng ở dưới mức trung bình.
Khoảng 50% lưu vực toàn cầu xuất hiện các điều kiện bất thường, chủ yếu là khô kiệt; qua đó làm giảm khả năng cung cấp nước cho các lĩnh vực cơ bản là nông nghiệp và công nghiệp.
Trong khi đó, báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cũng cho thấy, nhiệt độ cao kỷ lục năm 2023 đã khiến hệ thống sông băng trên thế giới “tan chảy” với khối lượng lớn chưa từng thấy trong suốt 50 năm qua.
Thủ đô Brazil lập kỷ lục mới về hạn hán với 164 ngày không mưa
Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới Celeste Saulo cho biết: “Nước đang trở thành chỉ báo rõ ràng cho tình trạng biến đổi khí hậu”; đồng thời cảnh báo chu trình nước “đang trở nên bất thường hơn do biến đổi khí hậu”. Do đó, các quốc gia cần tăng cường giám sát thủy văn để kịp thời ứng phó với những thay đổi bất thường.
Giám đốc Thủy văn của WMO Stefan Uhlenbrook dự đoán, tình trạng thiếu nước sẽ trầm trọng hơn trong năm 2024 khi tình trạng nắng nóng kỷ lục được ghi nhận ở nhiều nơi trên thế giới.