Lưu giữ "biểu tượng" của tình hữu nghị Việt-Lào

Ðền Thượng ở thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thờ phụng công chúa nước Lào với danh xưng Nhồi Hoa công chúa (theo cách gọi của người Việt) - người được nhân dân trong vùng hết sức tôn kính.
0:00 / 0:00
0:00
Người già thôn Thượng, xã Sơn Lai (huyện Nho Quan, Ninh Bình) kể cho lớp sau về nguồn gốc lịch sử, các hoạt động bảo tồn Ðền Thượng.
Người già thôn Thượng, xã Sơn Lai (huyện Nho Quan, Ninh Bình) kể cho lớp sau về nguồn gốc lịch sử, các hoạt động bảo tồn Ðền Thượng.

Trải qua nhiều thế kỷ, ngôi đền và nét đặc trưng văn hóa Lào được nhân dân nơi đây dành nhiều tâm sức bảo tồn, trở thành một biểu tượng văn hóa đẹp của tình hữu nghị Việt-Lào.

Cùng với tên gọi Ðền Thượng, người dân nơi đây còn tôn kính gọi đền thờ Công chúa Nhồi Hoa là đền Bà chúa Hoa, đền Mẫu. Ðền tọa lạc trên đỉnh đồi, nằm trong không gian làng quê yên bình giữa núi đồi hùng vĩ. Ðường đi lên đền được bao quanh cây cối xanh mướt, không gian tĩnh lặng, yên bình. Ðền quay hướng nam, nằm tiếp giáp với các ngọn núi theo tiếng địa phương gọi là núi Hóe Vụng (phía nam), núi Mỏ Phượng (phía đông), núi Chon Gà (phía bắc).

Bà Vũ Thanh Lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết: Ðây không chỉ là cụm di tích tâm linh, thể hiện nét đẹp văn hóa và truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của người Việt Nam, mà còn là biểu tượng đẹp cho tình hữu nghị sâu đậm và lâu đời giữa hai nước Việt-Lào.

Theo sử sách cũ ghi lại vào thế kỷ XV, dưới thời Vua Lê Thánh Tông, có một vị công chúa nước Lào, phiên âm tiếng Việt là Nhồi Hoa, đã theo lệnh vua cha mang vài trăm con voi sang và giúp huấn luyện đàn voi cho Ðại Việt đánh giặc. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, trên đường trở về, không may Công chúa Nhồi Hoa lâm bệnh và qua đời. Ghi nhận công lao của công chúa, Vua Lê Thánh Tông đã cho xây dựng khu lăng mộ và lập đền thờ công chúa. Nơi công chúa yên nghỉ chính là khu vực ở thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan ngày nay. Qua nhiều thế kỷ, di tích có nhiều phần mai một và được trùng tu nhiều lần. Hiện tại, đền còn lưu giữ khá nhiều hiện vật, sắc phong, đồ thờ có niên đại hàng trăm năm. Công chúa Nhồi Hoa đã được nhiều đời vua ban sắc phong, đặc biệt được phong Thượng đẳng thần dưới triều Nguyễn.

Ðền thờ Công chúa Nhồi Hoa được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2007. Hằng năm, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 3/3 âm lịch với những hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống của hai nước Việt-Lào. Hiện tỉnh Ninh Bình đang tiến hành xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận đền thờ Công chúa Nhồi Hoa là di tích cấp quốc gia.

Ông Trịnh Quang Bộ, người dân thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai chia sẻ: "Nhân dân chúng tôi rất vinh dự, tự hào được hương khói thờ phụng bà Chúa Hoa. Trong lễ hội có phần múa hát theo điệu Champa, điệu múa hát cổ truyền của nước Lào để tưởng nhớ về công lao của bà, bày tỏ lòng thành kính, mong bà phù hộ, độ trì cho dân làng an vui. Thôn, xã cũng thành lập ban quản lý để bảo tồn, phát huy giá trị vật chất, tinh thần của cụm di tích. Nhờ có di tích này mà thôn Thượng, xã Sơn Lai được bạn bè quốc tế biết đến. Người dân chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp có thêm sự đầu tư để nơi đây trở thành điểm đến văn hóa, du lịch; tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển du lịch, quan trọng hơn là giúp thế hệ trẻ biết được quá khứ và trân trọng hiện tại, phấn đấu ở tương lai".