Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng:

Lương thấp khó thu hút nhân tài, ngành thể thao thiếu hụt lực lượng kế cận

NDO - Theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thực tế chế độ tiền lương đối với vận động viên các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia còn thấp, dẫn tới khó khăn trong thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trong lĩnh vực thể thao.
0:00 / 0:00
0:00
Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng là 1 trong 4 tư lệnh ngành sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng là 1 trong 4 tư lệnh ngành sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đầu tư cho công tác đào tạo tài năng thể thao còn thấp

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trước thềm phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong giai đoạn vừa qua, công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên năng khiếu, vận động viên trẻ, vận động viên đội tuyển quốc gia có nhiều đổi mới. Ngành thể dục, thể thao đã tập trung phát triển các môn thể thao có thế mạnh và các môn thể thao có trong chương trình Olympic, ASIAD.

Về số lượng vận động viên thể thao trên cả nước, báo cáo cho hay, hiện nay có khoảng 2.500 vận động viên quốc gia (trong đó vận động viên trẻ 1.100; đội tuyển là 1.400). Trong khi đó, vận động viên của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an vào khoảng 22 nghìn vận động viên.

Nhìn chung, công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên thể thao trong thời gian qua đã từng bước đáp ứng yêu cầu đặt ra, góp phần nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, thể hiện qua số lượng, cơ cấu huy chương đã đạt được tại các kỳ đại hội thể thao.

Theo đó, Việt Nam đã giành được các huy chương vàng tại Olympic và Paralympic, luôn nằm trong tốp 3 nước dẫn đầu các kỳ SEA Games, 2 lần liên tiếp dẫn đầu bảng tổng sắp tại SEA Games 31, 32.

Các môn thể thao Olympic như điền kinh, thể dục, bơi lội, bóng đá, bắn súng, cử tạ, đua thuyền, đấu kiếm được đầu tư và đã giành được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Bóng đá Việt Nam có sự tiến bộ ở cả đấu trường khu vực lẫn châu lục.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên trong thời gian qua còn gặp một số tồn tại, hạn chế.

Lương thấp khó thu hút nhân tài, ngành thể thao thiếu hụt lực lượng kế cận ảnh 2

Đầu tư cho công tác đào tạo tài năng thể thao, tuy có tăng hằng năm, song còn thấp so với nhu cầu. Trong ảnh, các tay vợt thi đấu tại Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 42 đang diễn ra tại Khánh Hòa. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Cụ thể, đầu tư cho công tác đào tạo tài năng thể thao, tuy có tăng hằng năm, song còn thấp so với nhu cầu, chưa bảo đảm nguồn lực đầu tư đúng mức theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW, dẫn đến sự hẫng hụt lực lượng vận động viên kế cận trong các đội tuyển quốc gia.

Hệ thống các giải thi đấu thể thao trẻ trên phạm vi cả nước còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; chưa thu hút và phát huy được tiềm năng to lớn của các nguồn lực xã hội tham gia công tác phát hiện năng khiếu, tuyển chọn đào tạo và bồi dưỡng tài năng thể thao trẻ…

Ngoài ra, các chính sách đãi ngộ đối với vận động viên thể thao ở nước ta còn hạn chế. Chế độ tiền lương đối với vận động viên các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP còn thấp (vận động viên đội tuyển quốc gia được hưởng 7.020.000 đồng/tháng với mức 270 nghìn đồng/người/ngày x 26 ngày công).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, tiền lương đối với vận động viên thể thao thấp dẫn tới khó khăn trong thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trong lĩnh vực thể thao.

Để khắc phục hạn chế nêu trên, theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thể dục, thể thao, trong đó bao gồm các cơ chế đặc thù đối với đối tượng là các vận động viên thể thao...

Bên cạnh đó, kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các tổ chức quản lý thể dục, thể thao triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 36/2019/NĐCP, bảo đảm chế độ đãi ngộ phù hợp với đặc thù của vận động viên thể thao thành tích cao…

Thí điểm phát triển du lịch đêm tại 12 địa phương trọng điểm

Lương thấp khó thu hút nhân tài, ngành thể thao thiếu hụt lực lượng kế cận ảnh 4

Hội An là một trong những điểm đến thu hút đông đảo khách quốc tế ghé thăm ở Việt Nam. (Ảnh: NGỌC KHÁNH)

Về du lịch, báo cáo cũng nêu rõ, công tác phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19 đã đạt kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt), đạt mục tiêu đã điều chỉnh; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.

Tính đến hết tháng 4/2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt (tăng 68,3% so cùng kỳ năm 2023), tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 40,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 273 nghìn tỷ đồng.

Toàn ngành tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành mục tiêu năm 2024 đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa (trong đó có khoảng 72,5 triệu lượt khách có lưu trú); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, nhiều địa phương đã ban hành các đề án, kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm, trong đó trọng tâm là hoạt động du lịch đêm với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Lương thấp khó thu hút nhân tài, ngành thể thao thiếu hụt lực lượng kế cận ảnh 6

Tour đêm tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám thu hút đông đảo khách du lịch. (Ảnh: HÀ NAM)

Một số sản phẩm du lịch đêm đã được đưa vào phục vụ và tạo ấn tượng và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Tour đêm Văn Miếu-Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học", “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những xúc cảm”, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (Hà Nội); “Phố đêm du thuyền Hạ Long” (Quảng Ninh); tour đêm phố cổ Hoa Lư (Ninh Bình), “Quận 1 - Sắc màu đêm” (Thành phố Hồ Chí Minh)... cùng với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc đường phố và các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, ẩm thực đường phố... trở thành điểm hẹn của du khách trong và ngoài nước trải nghiệm văn hóa, ẩm thực Việt Nam.

Tuy vậy, thực tế trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch đêm vẫn thiếu các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đêm; sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, quy hoạch không gian riêng cho du lịch đêm, nhận thức về phát triển du lịch đêm còn hạn chế; các địa phương chưa có chiến lược hoặc kế hoạch riêng cho phát triển kinh tế đêm…

Thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các tỉnh/thành phố thực hiện thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch,

Theo đó, tập trung xây dựng quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm du lịch đêm về bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, thời gian cung cấp dịch vụ, chính sách đối với lao động làm việc đêm; phát triển các mô hình sản phẩm du lịch đêm theo các hình thức tuyến phố đi bộ, chợ đêm, không gian du lịch đêm linh hoạt, tổ hợp giải trí đêm riêng biệt...

Khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển các sản phẩm, các chương trình trình diễn nghệ thuật sáng tạo, ẩm thực truyền thống, đặc sản vùng miền, các tổ hợp vui chơi tổng hợp riêng biệt quy mô lớn, đẳng cấp khu vực và quốc tế.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các đối tượng liên quan tham gia vào phát triển du lịch đêm; nghiên cứu, đánh giá, dự báo về thị trường khách và sản phẩm phù hợp; triển khai xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch đêm hướng tới nhóm lưu trú dài ngày, có khả năng chi tiêu cao, sử dụng các sản phẩm chất lượng cao.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, từ ngày 4-6/6, diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và môi trường; công thương; kiểm toán; văn hóa, thể thao và du lịch.

Từ 15 giờ ngày 5/6, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sẽ trả lời về công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao.

Bên cạnh đó là việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.