Khai thác thế mạnh du lịch đêm

Các sản phẩm du lịch đêm ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng trong việc thu hút và giữ chân khách du lịch. Thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu du lịch đêm của khách. Trong đó, thành phố tập trung khai thác thế mạnh du lịch di sản, du lịch văn hóa, với các sản phẩm nổi bật như: Tour “Tinh hoa đạo học” tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, tour đạp xe Đêm Thăng Long… Những sản phẩm này đang tạo sức hút cho du lịch Thủ đô.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch xin chữ khi tham gia tour đêm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Khách du lịch xin chữ khi tham gia tour đêm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Chỉ sau chưa đầy nửa tháng ra mắt tour trải nghiệm Tinh hoa đạo học, Trung tâm Hoạt động Văn hóa-khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã phải tăng từ ba lên bốn đêm trải nghiệm mỗi tuần. Chưa hết, các buổi trải nghiệm đều “cháy vé” từ sớm.

Giúp khách khám phá những điều mới mẻ

Đúng 19 giờ 30 phút, tour trải nghiệm đêm tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội) bắt đầu đón khách. Ngay khi bước qua cổng chính (Văn Miếu Môn), khách tham quan đã có những cảm giác khác lạ khi được đón tiếp bằng “bữa tiệc” của công nghệ và ánh sáng. Nền gạch đỏ truyền thống trên những lối đi được biến thành nơi trình chiếu những hình ảnh hoa văn trên diềm bia Tiến sĩ với những đường nét tinh tế của hoa sen, hoa lựu, hoa hải đường…

Vào ban đêm, Khuê Văn Các cũng mang một diện mạo mới. Ánh sáng vừa tôn lên vẻ cổ kính, vừa tạo sự lung linh huyền ảo. Bước qua Khuê Văn Các, khách du lịch đến khu vườn bia Tiến sĩ, nơi có giếng Thiên Quang và được cảm nhận nhiều điều bất ngờ. Màn “hỏi-đáp” với “cụ rùa”. Nhiều du khách thích thú khi trước những câu hỏi khó, cụ rùa trả lời hóm hỉnh: “Cụ đã 500 năm tuổi nên trí nhớ có lúc lẫn lộn rồi”. Khu vực trước nhà Bái đường là nơi giới thiệu về Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Tại đây, khách du lịch được trải nghiệm “viết thư pháp” bằng kính thực tế ảo.

Tất cả hành trình khám phá Văn Miếu-Quốc Tử Giám đều được chăm chút tỉ mỉ ở mọi chi tiết. Đó là những chú cá bằng ánh sáng sinh động trên mặt nước, hay một gốc cây cổ thụ cũng “biến hình” thành bức tranh làng quê, với một cậu bé miệt mài tập viết. Nhưng bất ngờ lớn nhất chờ khách du lịch là show trình chiếu mapping 3D theo chủ đề “Tinh hoa đạo học”. Toàn bộ mặt tiền của nhà Tiền đường trên sân Thái học biến thành một màn hình khổng lồ. Những câu chuyện liên quan đến đạo học, trường đại học lâu đời nhất của Việt Nam được “kể” qua chủ đề: Trường thi, các sĩ tử ngày xưa, liên quan đến ý chí, ước mơ đỗ đạt, học hành, cá chép hóa rồng, rồi những khó khăn, thách thức mà mỗi người cần phải vượt qua...

Cách xử lý gam màu, ánh sáng một cách tinh tế khiến di sản được tôn lên nét đẹp. Sau khi tham gia các trải nghiệm, anh Nguyễn Đức Minh cho biết: “Tất cả những trải nghiệm tại tour đêm ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám đem đến cho tôi những bất ngờ. Đó không phải là cách giới thiệu di sản, truyền thống một cách thông thường, mà theo một cách rất đặc biệt. Tôi nghĩ, chưa nói đến nội dung, chỉ riêng cái đẹp về văn hóa truyền thống được thể hiện qua công nghệ đã là một điểm cộng thu hút khách”.

Cũng trong dịp này, tour xe đạp với chủ đề Đêm Thăng Long-Hà Nội được Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Công ty Du lịch bền vững Việt Nam (Vietnam S.T.I.D) triển khai. Tham gia trải nghiệm tour xe đạp, du khách được đạp xe khám phá cảnh quan Thủ đô, nhất là những dấu tích còn lại của Thăng Long xưa như: Cột cờ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, cổng Bắc thành Hà Nội, Ô Quan Chưởng… và một số kiến trúc Hà Nội đầu thế kỷ 20 như: Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn, Nhà khách Chính phủ…

Trên hành trình du khách sẽ được ăn nhẹ tại khu ẩm thực đêm đảo Ngọc-Ngũ Xã và điểm dừng chân cuối cùng là khám phá Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - một kiến trúc tiêu biểu cho giao lưu văn hóa Đông-Tây. Tại đây, khách du lịch cũng được tìm hiểu nhiều di sản văn hóa quý giá trong Bảo tàng như: Cây hương chùa Tứ Kỳ (niên đại năm 1666), Bia điện Nam Giao (niên đại năm 1679)...

Ngoài các di tích nổi tiếng như: Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, các bảo tàng cũng bắt tay vào triển khai tour trải nghiệm đêm. Sau Bảo tàng Văn học, Bảo tàng Phụ nữ là đơn vị mới nhất triển khai chương trình trải nghiệm nghệ thuật đặc biệt “Huyền thoại tuổi thanh xuân”.

Chương trình tái hiện sự khốc liệt của chiến tranh tại Ngã ba Đồng Lộc năm 1968 bằng công nghệ hình ảnh, hiệu ứng 3D với những hố bom, những căn hầm chữ A, con đường vượt qua trọng điểm, trận địa pháo và hình ảnh các đoàn xe chở hàng, chở quân ra trận… Từ đó, nói lên phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Các sản phẩm du lịch đêm mới đưa vào khai thác ở Hà Nội giúp khách du lịch có nhiều lựa chọn khác nhau.

Tạo đà cho du lịch đêm cất cánh

Nếu như trước đây, phần lớn hoạt động du lịch đêm của Hà Nội đều là hoạt động tự phát, thì hiện nay đã phát triển khá phong phú, với nhiều loại hình khác nhau, từ không gian đi bộ, cho đến trải nghiệm tại các di tích, bảo tàng… Phần lớn sản phẩm du lịch đêm đều thu hút lượng khách khá lớn. Ngay cả những hoạt động có thu phí như tour trải nghiệm tại Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Phụ nữ, Văn Miếu-Quốc Tử Giám đều luôn trong tình trạng hết vé sớm. Đáng chú ý, một số sản phẩm đã có đặc trưng riêng. Thí dụ như không gian đi bộ tại hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) được định hình là không gian biểu diễn, giao lưu văn hóa; khu vực đảo Ngọc-Ngũ Xã có đặc trưng là ẩm thực.

Đối với các tour trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Phụ nữ mang dấu ấn đậm nét của hình thức sân khấu hóa. Trong khi đó, tour đạp xe đêm “đón sóng” trào lưu sống xanh, sống chậm của nhiều người. Tour Tinh hoa đạo học tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám lại dẫn dắt câu chuyện thông qua công nghệ, đặc biệt là công nghệ 3D Mapping.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: “Điều chúng tôi hướng đến là làm sao truyền tải được những giá trị của đạo học Việt Nam, của Văn Miếu-Quốc Tử Giám, một di tích quốc gia đặc biệt, một cách xứng tầm, sử dụng công nghệ hiện đại mà không làm công nghệ lấn át vẻ đẹp của di sản. Việc đa dạng hóa các hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ còn là biện pháp để thu hút những bạn trẻ đến với di sản. Bước đầu, lượng khách đến với tour Tinh hoa đạo học là khá đông; tuy nhiên, chúng tôi sẽ không chỉ cố định sản phẩm như hiện nay mà tiếp tục cải tiến, đổi mới”.

Trong tương lai, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai những sản phẩm du lịch đêm mới, điển hình như phố đi bộ tại các quận: Đống Đa, Ba Đình hay sản phẩm du lịch đêm - Không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những cảm xúc” tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (số 22 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm)… Tuy nhiên, để du lịch đêm Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn thì còn nhiều việc phải làm. Thí dụ như việc hiện nay Hà Nội có nhiều không gian đi bộ, nhưng một số tuyến phố đi bộ có hoạt động na ná nhau. Nếu thành phố tiếp tục mở rộng mô hình này mà không có những cải tiến thì sẽ gây ra sự nhàm chán cho khách du lịch.

Một khó khăn rất lớn khác chính là cơ chế, chính sách. Hiện nay, sản phẩm du lịch tại Hà Nội mới diễn ra vào buổi tối. Đến khoảng 23 giờ, nhiều dịch vụ, hàng quán đã đóng cửa. Trong khi đó, nhiều khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài có nhu cầu vui chơi, giải trí đến tận sáng. Nhưng việc các dịch vụ mở cửa qua đêm vẫn chưa được thành phố cho phép. Nhiều chuyên gia đề xuất, để phát triển du lịch đêm thì cần hoàn thiện các cơ chế để quản lý tốt hoạt động kinh tế đêm gắn với phát triển du lịch, bao gồm các quy định cụ thể về: Loại hình kinh doanh, khu vực kinh doanh, khu vực hạn chế, thời gian hoạt động, tiêu chuẩn hoạt động (tiếng ồn, ánh sáng)… để người dân, doanh nghiệp có thể yên tâm tổ chức các dịch vụ.

Tháng 7/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”. Đề án được triển khai nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên hiện nay, vẫn thiếu những cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào kinh tế đêm - một lĩnh vực còn tiềm ẩn không ít rủi ro. Trước thực tế hoạt động du lịch đêm ở Hà Nội chủ yếu vẫn quanh quẩn khu vực phố cổ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: “Hà Nội có thể nghiên cứu mở rộng sản phẩm du lịch đêm như phát triển dịch vụ du lịch hai bên sông Hồng; quy hoạch cho việc xây dựng trung tâm mua sắm hiện đại ở gần khu vực trung tâm, chẳng hạn xây dựng trung tâm mua sắm ngầm tại Công viên Thống Nhất”.