Lực mua trở lại thị trường hàng hóa, chỉ số MXV-Index kết thúc chuỗi giảm mạnh 3 phiên

NDO - Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua quay trở lại thị trường hàng hóa đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index đảo chiều tăng 0,78% lên 2.224 điểm, kết thúc chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp trước đó. Dòng tiền đầu tư đến thị trường cũng có sự gia tăng mạnh mẽ thể hiện qua mức tăng 18% đưa giá trị giao dịch toàn Sở chốt phiên hôm qua đạt gần 4.700 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Giá dầu cắt đứt chuỗi giảm mạnh 3 phiên liên tiếp

Sau 3 phiên đánh mất tổng cộng gần 10 USD/thùng, giá dầu đã phục hồi trở lại từ mức đáy 15 tháng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/3, giá dầu WTI tăng 1,09% lên 68,35 USD/thùng, và dầu Brent tăng 1,37% lên 74,7 USD/thùng sau khi nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) có các tín hiệu trấn an sau tâm điểm về những rủi ro trong ngành tài chính ngân hàng làm chao đảo thị trường trước đó.

Lực mua trở lại thị trường hàng hóa, chỉ số MXV-Index kết thúc chuỗi giảm mạnh 3 phiên ảnh 1

Tâm lý thị trường dần ổn định trở lại khi những rủi ro xung quanh Ngân hàng Credit Suisse được xoa dịu một phần, do Cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ FINMA và Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ cam kết cung cấp thanh khoản cho ngân hàng này. Credit Suisse sẽ vay tối đa 50 tỷ franc Thụy Sĩ từ Ngân hàng Trung ương và họ đề nghị mua lại các chứng khoán nợ cao cấp trị giá lên tới 3 tỷ franc. Điều đó đã khiến giá dầu mở cửa phiên với mức tăng so với mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, đà giảm tiếp nối trong phiên chiều tối khi các nhà đầu tư chờ đợi thông tin về cuộc họp lãi suất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Bất chấp những rủi ro tài chính gần đây, ECB vẫn quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên, qua đó đưa mức lãi suất cơ bản lên 3,5%, cao nhất kể từ năm 2009. Điều này tiếp tục gây áp lực tới giá dầu bởi lo ngại chi phí vay tăng cao có thể đè nặng tới tăng trưởng và tình hình tiêu thụ dầu. Nguồn tin từ Reuters cũng có biết, các nhà sản xuất dầu mỏ, ngân hàng và quỹ phòng hộ đã tăng cường mua quyền chọn bán để tự bảo vệ khỏi những tổn thất tiếp theo.

Mặc dù vậy, sự trấn an từ nhóm nước OPEC+ đã giúp giá dầu phục hồi trở lại vào cuối phiên. Truyền thông nhà nước Saudi Arabia đưa tin Bộ trưởng Năng lượng của nước này và Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã gặp nhau tại thủ đô của Saudi Arabia nhằm thảo luận về những nỗ lực của nhóm OPEC+ trong việc duy trì sự cân bằng thị trường.

Lực mua trở lại thị trường hàng hóa, chỉ số MXV-Index kết thúc chuỗi giảm mạnh 3 phiên ảnh 2

Cả hai quốc gia vẫn cam kết với quyết định vào tháng 10 năm ngoái về việc cắt giảm mục tiêu sản xuất 2 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm 2023. Theo các đại biểu của nhóm cho biết, OPEC+ coi việc giá dầu trượt dốc trong tuần này là do lo ngại tài chính, chứ không phải bất kỳ sự mất cân bằng nào giữa cung và cầu, đồng thời kỳ vọng thị trường sẽ ổn định. Các thông tin này đã giúp trấn an một phần những sự hoảng loạn trước đó và thúc đẩy lực mua trong phiên.

Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF) cũng cho biết, xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia đã tăng lên mức 7,66 triệu thùng/ngày trong tháng đầu năm 2023. Mức tăng khoảng 3% so với 7,44 triệu thùng/ngày được xuất khẩu trong tháng 12 năm ngoái, chủ yếu do sự phục hồi phía châu Á, cũng góp phần hỗ trợ tâm lý trên thị trường dầu.

Nhìn chung, giá dầu vẫn đang phục hồi tương đối thận trọng và lo ngại sức ép vẫn còn, Bộ Lao động Mỹ cho biết, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 20.000 xuống mức 192.000 trong tuần kết thúc vào ngày 11/3, mức giảm là lớn nhất kể từ tháng 7. Thị trường lao động vẫn đang mạnh mẽ, đặt ra nhiều lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất, nhất là khi cuộc họp ngày 21-22/3 đang đến gần, tạo lực cản đối với đà phục hồi của giá dầu.

Cà-phê Arabica đảo chiều tăng mạnh

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/3, sắc xanh đã trở lại và áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi giá 2 mặt hàng cà-phê đồng loạt bật tăng mạnh sau chuỗi phiên giảm liên tiếp trước đó.

Arabica đảo chiều bật tăng mạnh 4,32% trong phiên hôm qua khi giá được hỗ trợ bởi dữ liệu tồn kho tại Mỹ. Theo đó, tồn kho cà-phê của các cảng tại Mỹ đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp, về mức 6,1 triệu bao khi kết thúc tháng 2/2023. Điều này một lần nữa nhấn mạnh lại việc hạn chế bán hàng của các nước xuất khẩu chính trong 2 tháng đầu năm, khiến nguồn cung trên thị trường rơi vào thiếu hụt trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ giá Arabica bật tăng. Cùng với đó, Dollar Index suy yếu đã kéo theo cặp tỷ giá USD/Brazil Real quay đầu giảm 1,13% sau 5 phiên tăng liên tiếp, làm hạn chế nhu cầu bán hàng từ phía nông dân Brazil và góp phần thúc đẩy giá tăng trở lại.

Dưới lực kéo từ Arabica, Robusta cũng ghi nhận mức tăng 1,7% trong phiên hôm qua. Tồn kho Robusta trên Sở ICE London tiếp tục tăng mạnh từ 74.330 tấn lên mức 75.380 tấn, cao nhất kể từ ngày 17/12/2022.

Lực mua trở lại thị trường hàng hóa, chỉ số MXV-Index kết thúc chuỗi giảm mạnh 3 phiên ảnh 3

Sau 3 phiên giảm liên tiếp, giá đường 11 cũng bật tăng trở lại với mức tăng 1,27% trong phiên hôm qua. Thị trường tiếp tục nhận được hỗ trợ từ những lo ngại về sản lượng suy giảm tại các quốc gia sản xuất hàng đầu như: Trung Quốc, Thái Lan và Liên minh châu Âu. Bên cạnh đó, việc giá dầu thô hồi phục sau chuỗi giảm liên tiếp đã kéo theo giá đường trong phiên hôm qua.

Ở chiều ngược lại, giá dầu cọ thô đã sụt giảm hơn 2% trong ngày hôm qua do lo ngại về cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ. Sathia Varqa, đồng sáng lập của Palm Oil Analytics cho biết, các hợp đồng tương lai biến động mạnh do tác động của ngành ngân hàng khiến thị trường tài chính bị xáo trộn. Chứng khoán châu Á đã lao dốc và các nhà đầu tư chuyển sang sự an toàn của vàng, trái phiếu và USD, sau khi Credit Suisse trở thành tâm điểm mới nhất cho những lo ngại về khủng hoảng ngành ngân hàng.

Xuất khẩu cà-phê Việt Nam hồi phục mạnh trong tháng 2

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, nước ta đã xuất khẩu được 200.056 tấn cà-phê với kim ngạch 435 triệu USD trong tháng 2/2023, tăng hơn 40% so với tháng trước cũng như tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, lũy kế xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm vẫn ghi nhận sự suy yếu với mức giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2022 khi tổng lượng xuất khẩu chỉ đạt 342.352 tấn.

Sự hồi phục xuất khẩu trong tháng 2 tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nguồn cung hiện tại trên thị trường, đặc biệt khi các quốc gia khác như: Indonesia và Brazil cũng chuẩn bị cung ứng ra thị trường cà-phê niên vụ mới.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, chung xu hướng giá thế giới, giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng mạnh 500 đồng/kg. Theo đó, cà-phê trong nước được thu mua ở mức 46.800-47.200 đồng/kg, xóa đi đáng kể mức giảm từ đầu tuần.