Vai trò của quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới
Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam được biết đến là quốc gia cung ứng cà-phê lớn thứ 2 thế giới, đặc biệt với mặt hàng Robusta, chúng ta là nước thống trị nguồn cung với khoảng 40% thị phần trên toàn cầu.
Tuy nhiên, rất nhiều tranh luận nổ ra về việc chúng ta chưa khai thác được hết lợi thế của vị trí hiện tại trên bản đồ cà-phê thế giới để khẳng định tầm quan trọng của cà-phê Việt Nam trong chuỗi cung ứng cà-phê toàn cầu.
Cùng lật lại quá khứ, trong thời điểm 2 tháng đầu năm 2023, giá Robusta giao dịch trên Sở ICE London bắt đầu xu hướng tăng mới khi Việt Nam đang là nguồn cung lớn duy nhất có sẵn trên thị trường.
Việc nông dân hạn chế bán hàng trước và trong dịp Tết Nguyên đán khiến xuất khẩu sụt giảm mạnh trong tháng 1 cũng như 2 tháng đầu năm.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà-phê trong tháng 1 tại Việt Nam đạt 160.000 tấn, giảm mạnh gần 40% so cùng kỳ năm 2022 và lũy kế trong 2 tháng đầu năm cũng ghi nhận mức giảm gần 8% so 2 tháng đầu năm ngoái.
Đây cũng là lý do được giới phân tích trong nước và quốc tế nhận định là nguyên nhân chính cho sự đà tăng của giá Robusta đang giao dịch. Điều này như một tín hiệu cho thấy vai trò của Việt Nam đối với thị trường Robusta trên thế giới.
Tuy vậy, sự quan trọng trên chỉ đến từ khối lượng trong xuất khẩu thô của Việt Nam, dòng sản phẩm vốn mang lại giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị của ngành cà-phê.
Ở trên các khía cạnh khác như giá trị và sự phát triển bền vững của ngành cà-phê, nước ta dường như vẫn chưa đặt đúng trọng tâm cũng như chưa thể hiện được đúng như vị thế.
Mặc dù là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới, hiện Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu cà-phê nào nằm trong nhóm 10 các thương hiệu cà-phê lớn được ghi nhận. Sự cạnh tranh đến từ các cửa hàng cà-phê lớn đã nhiều lần làm điêu đứng các nhãn hàng cà-phê Việt ngay trong thị trường nội địa, thí dụ như sự đổ bộ của Starbucks trong những năm gần đây.
Nâng cao giá trị của cà-phê xuất khẩu để khẳng định vị thế hiện tại trên bản đồ thế giới
Như đã đề cập ở trên, phần đa cà-phê xuất khẩu của Việt Nam là ở dạng thô, chưa qua chế biến với giá trị gia tăng thấp. Do đó, cách giải quyết vấn đề chính là xuất phát từ gốc rễ của nó, từ việc nâng cao giá trị cho cà-phê xuất khẩu bằng cách chuyển hướng từ xuất thô sang các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao hơn như cà-phê chế biến, cà-phê đặc sản.
Việc chuyển hướng này không chỉ giúp ngành cà-phê Việt Nam gia tăng giá trị mà còn vì tương lai phát triển bền vững của ngành khi việc mở rộng diện tích để tăng giá trị không còn là ưu tiên hàng đầu do các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Âu mới ban hành lệnh cấm nhập khẩu cà-phê có liên quan nạn chặt phá rừng.
Cà-phê là một nét văn hóa. Tôi muốn nói với doanh nghiệp rằng, muốn xây dựng thương hiệu phải định vị lại, phải biết kể câu chuyện để giao cảm xúc của người tiêu dùng.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan
Không chỉ dừng lại ở việc chế biến tinh để nâng cao giá trị, việc đưa giá trị văn hóa vào từng sản phẩm cà phê để tạo nên sự đặc biệt cho cà-phê Việt Nam cũng là một hướng giải quyết đang được chú ý. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã phát biểu trong hội thảo “Tăng giá trị cho cà-phê Việt, cách nào” :“Cà-phê là một nét văn hóa. Tôi muốn nói với doanh nghiệp rằng, muốn xây dựng thương hiệu phải định vị lại, phải biết kể câu chuyện để giao cảm xúc của người tiêu dùng”.
Đẩy mạnh khai thác tiềm năng nội địa để phát triển bền vững
Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu để khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới, một bài toán vô cùng quan trọng để nâng cao chuỗi giá trị cho ngành cà-phê Việt Nam đó là việc tập trung khai thác tiềm năng trong nước.
Là quốc gia gần 100 triệu dân với hơn 300.000 cửa hàng cà-phê lớn nhỏ đang hoạt động với tốc độ tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn 2016-2022 vào khoảng 2%, nhu cầu về tiêu thụ cà-phê trong nước của Việt Nam đang cho thấy triển vọng rất lớn.
Hơn nữa, tỷ lệ tiêu thụ cà-phê trên đầu người của Việt Nam đang ở mức rất thấp, chỉ 2 kg/người/năm, thấp hơn rất nhiều so nước xuất khẩu lớn như Brazil với 5,8kg/người/năm hay các nước nhập khẩu hàng đầu như Mỹ với 4,2kg/ người/năm và Phần Lan 12kg/người/năm.
Không chỉ vậy, trung bình tỷ lệ tiêu thụ cà-phê trong nước chỉ đạt khoảng 10% trong 10 năm trở lại đây, thấp hơn rất nhiều so các nước xuất khẩu lớn như Brazil và Indonesia khi dao động từ 25-30% sản lượng cà-phê sản xuất ra. Điều này cho thấy không gian rộng lớn trong việc đẩy mạnh tiêu thụ cà-phê trong nước để góp phần phát triển ngành cà-phê của Việt Nam.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường quốc tế đang có những biến động lớn về nhu cầu tiêu thụ cà-phê do lo ngại về cuộc suy thoái kinh tế trên diện rộng, những yêu cầu khắt khe hơn của thị trường nước ngoài trong chất lượng và nguồn gốc cà-phê, việc ưu tiên phát triển thị trường nội địa làm nền nảng sẽ giúp ngành cà-phê Việt Nam ổn định hơn trước những sóng gió của thị trường quốc tế.
Như vậy, với vai trò là quốc gia xuất khẩu cà-phê nói chung lớn thứ 2 thế giới, Việt Nam đã phần nào cho thấy được tầm quan trọng của mình đối với nguồn cung toàn cầu cũng như diễn biến xu hướng giá.
Tuy nhiên, việc khẳng định vị thế tại không chỉ dừng lại ở đó, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc gia tăng giá trị trên thị trường quốc tế đồng thời tập trung khai thác triển vọng phát triển của thị trường nội địa để cà-phê Việt Nam ngày càng chứng minh vị thế quan trọng trên bản đồ cà-phê quốc tế.