Sức ép kinh tế vĩ mô và cung cầu đè nặng giá hàng hóa nguyên liệu

NDO - Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), toàn bộ 4 nhóm mặt hàng nguyên liệu thế giới đồng loạt chịu sức ép bán mạnh trong ngày hôm qua. Đặc biệt, đà lao dốc của nhóm năng lượng và kim loại đã kéo chỉ số MXV-Index đóng cửa hôm qua giảm mạnh gần 2,7% xuống 2.207 điểm, quay trở về vùng hồi tháng 9/2021. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng tiếp tục sụt giảm về mức 4.000 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Sức ép kinh tế vĩ mô và cung cầu đè nặng giá hàng hóa nguyên liệu ảnh 1

Dầu WTI giảm mạnh 5%

Giá dầu lao dốc về mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 trong bối cảnh nhà đầu tư đón nhận hàng loạt các tin tức tiêu cực từ cả yếu tố vĩ mô và bức tranh cung cầu. Kết thúc phiên 15/3, giá dầu thô WTI giảm 5,22% về 67,61 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 4,85% về 73,69 USD thùng.

Sức ép kinh tế vĩ mô và cung cầu đè nặng giá hàng hóa nguyên liệu ảnh 2

Giá hồi phục nhẹ và đi ngang trong phiên sáng sau các số liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc, với sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tăng lần lượt 2,4% và 3,5% so cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, đà tăng không duy trì được lâu khi sức bán mạnh xuất hiện từ cuối phiên chiều khi thị trường châu Âu mở cửa. Những lo ngại về một cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng tiếp tục được lan rộng từ Mỹ sang châu Âu. Cụ thể, sau vụ việc của Ngân hàng Silicon Valley Bank, các nhà đầu tư đặt câu hỏi về nguy cơ vỡ nợ của Credit Suisse, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất trên thế giới. Điều này được phản ánh qua việc khoản phí cho hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) kỳ hạn 5 năm của ngân hàng này đã tăng lên mức kỷ lục.

Tin tức này khiến cho dòng tiền rời khỏi các thị trường đầu tư rủi ro, trong đó có thị trường dầu. Các nhà đầu tư chuyển hướng sang nắm giữ các loại tài sản có tính an toàn và thanh khoản cao như đồng bạc xanh, chỉ số Dollar Index phục hồi hơn 1% lên 104,65 điểm. Tâm lý hoảng loạn cùng với áp lực bán đột ngột tăng mạnh khiến cho giá dầu thô WTI đã có lúc giảm về dưới 66 USD/thùng, và giá dầu Brent từng giảm về dưới 72 USD/thùng.

Những lo ngại về suy thoái kinh tế cũng gia tăng khi mà sức khỏe của ngành ngân hàng tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu suy yếu do ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt. Triển vọng tiêu thụ dầu thô vì thế cũng trở nên xấu đi, lấn át những kỳ vọng vào sự phục hồi của Trung Quốc.

Bên cạnh những tin tức kinh tế, hai báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) không mang lại bất kỳ sự hỗ trợ nào cho giá dầu, trái lại còn làm gia tăng lực bán. Cụ thể, IEA ước tính nhu cầu tiêu thụ sẽ cán mốc kỷ lục 102 triệu thùng/ngày trong năm nay, tuy nhiên thị trường dầu vẫn đối mặt với nguy cơ dư cung trong nửa đầu năm 2023.

Mức thặng dư sẽ được thu hẹp và có thể chuyển sang thâm hụt vào nửa cuối năm khi nhu cầu dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, tồn kho dầu của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tăng thêm 54,8 triệu thùng lên 2,85 tỷ thùng, mức cao nhất trong vòng 18 tháng qua.

Báo cáo của EIA trong phiên tối cũng cho thấy, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng 1,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 10/3, lên mức 851,6 triệu thùng. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất giảm lần lượt 2,1 triệu thùng và 2,5 triệu thùng. Mức thay đổi khiêm tốn cộng với số liệu không bất ngờ so với dự báo của thị trường khiến cho báo cáo tuần của EIA tương đối mờ nhạt và không tạo được sức mua với thị trường.

Theo MXV, hiện nguồn cung dầu thô không còn phải đối mặt với tình trạng bị thắt chặt trong ngắn hạn, trong khi đó triển vọng tiêu thụ ngày càng kém khả quan do những rủi ro suy thoái kinh tế. Các tin tức này đã khiến cho sức bán hoàn toàn áp đảo trong phiên hôm qua và đẩy giá dầu về mức thấp nhất trong vòng hơn một năm qua.

Thị trường kim loại biến động mạnh

Thị trường tài chính nói chung đã trải qua phiên giao dịch hôm qua, 15/3, với mức biến động mạnh mẽ khi rủi ro tài chính tiếp tục xuất hiện kể từ sau sự phá sản của Ngân hàng SVB trước đó. Điều này đã có tác động đáng kể đối với thị trường kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc tăng khá mạnh trong phiên trước khi kết thúc với mức giảm 0,72% xuống 21,88 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 2,71% xuống 970,3 USD/ounce.

Tâm điểm gây chấn động với thị trường trong ngày hôm qua xuất phát từ những thông tin cho rằng Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất trên thế giới có thể vỡ nợ. Cụ thể, giá các hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS) của Credit Suisse, công cụ được sử dụng để bảo hiểm cho các khoản nợ của ngân hàng đã đạt mức cao kỷ lục. Đây là dấu hiệu thường cho thấy mối lo ngại cực kỳ lớn của giới đầu tư. Mức phí hơn 1.000 điểm cơ bản đối với các CDS kỳ hạn 1 năm của các ngân hàng lớn là một hiện tượng cực kỳ hiếm. Các ngân hàng lớn của Hy Lạp từng giao dịch ở mức tương tự trong cuộc khủng hoảng nợ và suy thoái kinh tế của nước này.

Sự hoảng loạn của thị trường khiến tình trạng bán tháo đối với các tài sản rủi ro liên tục được thúc đẩy. Lo ngại về sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng kể từ sau sự phá sản của ngân hàng SVB tại Mỹ có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng, khiến vai trò trú ẩn của vàng được phát huy mạnh mẽ, bên cạnh đồng USD có tính thanh khoản cao, và trái phiếu kho bạc Mỹ có độ rủi ro thấp. Vai trò trú ẩn của bạch kim kém hơn bạc, dẫn tới đà giảm mạnh mẽ hơn. Nhìn chung, dòng tiền chủ yếu tập trung vào việc nắm giữ tiền mặt, tích lũy vàng và trú ẩn trên thị trường trái phiếu, kéo lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm giảm mạnh 23 điểm, khiến nhu cầu trú ẩn đối với bạc và bạch kim khá mờ nhạt.

Sức ép kinh tế vĩ mô và cung cầu đè nặng giá hàng hóa nguyên liệu ảnh 3

Lo ngại khủng hoảng và suy thoái có thể xảy ra trong tương lai đã đẩy giá đồng, thước đo sức khỏe của nền kinh tế liên tục lao dốc trong phiên. Cụ thể, giá đồng COMEX kết thúc phiên với mức giảm 4% xuống còn 3,84 USD/pound, mức giảm trong ngày mạnh nhất kể từ đầu tháng 7 năm ngoái. Trước đó, đồng mở cửa phiên với lực mua tích cực khi dữ liệu kinh tế tại Trung Quốc cho thấy mức độ phục hồi khả quan. Mặc dù vậy, các tin tức tiêu cực và tâm lý hoảng loạn trên thị trường tài chính đã liên tục đẩy giá đồng xuống mức thấp nhất kể từ ngày 5/1 năm nay.

Quặng sắt là mặt hàng kim loại cơ bản duy nhất giữ được sắc xanh với mức tăng khiêm tốn 0,35% lên 132,18 USD/tấn. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) mới đây đã bổ sung thêm 281 tỷ nhân dân tệ thông qua các khoản cho vay trung hạn để cung cấp thêm thanh khoản cho các ngân hàng, do nhu cầu cho vay tăng cao khi nền kinh tế dần phục hồi. Giá sắt thép thường nhạy cảm nhất với các kích thích kinh tế, do vai trò quan trọng trong đầu tư xây dựng đem lại triển vọng tích cực cho nhu cầu, từ đó, hỗ trợ cho giá.

Xuất nhập khẩu sắt thép giảm về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá thép nội địa tiếp tục đà đi ngang. Cụ thể, thép cuộn CB240 duy trì dưới mức giá 15.960 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 ở khoảng 15.840 đồng/kg. Theo Thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 2, nước ta đã xuất khẩu tổng cộng 796,4 nghìn tấn sắt thép các loại, thu về kim ngạch 602,2 triệu USD. Trong khi đó, nhập khẩu sắt thép trong tháng 2 lên đến 840,1 nghìn tấn, trị giá hơn 673 triệu USD. Như vậy, cả xuất khẩu và nhập khẩu sắt thép trong tháng vừa qua đều tăng tương đối mạnh so với tháng trước. Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm, cả kim ngạch và lượng xuất nhập khẩu đều cho thấy sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào đang ở vùng giá thấp.