Mặc dù dòng tiền đầu tư đến thị trường cũng ghi nhận sụt giảm so ngày tăng đột biến trước đó. Tuy nhiên, đóng cửa hôm qua, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn đạt gần 4.700 tỷ đồng, cao hơn 30% so mức trung bình kể từ đầu năm đến nay.
Toàn bộ các mặt hàng nông sản bật tăng trở lại
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, lúa mì là mặt hàng tăng mạnh nhất thị trường nông sản với mức tăng lên tới 1,72%, qua đó ghi nhận phiên tăng giá thứ 3 liên tục. Lúa mì nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ lực mua kỹ thuật của các nhà đầu tư, khi mà giá đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 tháng vào cuối tuần trước. Thêm vào đó, sự không chắc chắn về tương lai của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen cũng đã thúc đẩy đà tăng giá lúa mì.
Đại diện của Nga tham gia vào vòng đàm phán tại Geneva cho biết, Moscow sẵn sàng gia hạn thỏa thuận vào ngày 18/3 tới, nhưng chỉ trong thời gian ngắn hơn là 60 ngày. Nguyên nhân là do chỉ có một phần của thỏa thuận được thực hiện và hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Nga vẫn bị cản trở. Ukraine đã ngay lập tức phản đối đề nghị trên và cho rằng thỏa thuận chỉ có thể được gia hạn thêm ít nhất là 120 ngày. Những động thái của hai quốc gia này khiến thị trường hoang mang về khả năng thỏa thuận ngũ cốc được gia hạn và hỗ trợ cho đà tăng của các mặt hàng ngũ cốc.
Cùng với đó, giá ngô cũng đã quay đầu tăng mạnh trở lại và xóa đi hoàn toàn mức giảm của phiên trước đó. Lực mua đối với ngô chủ yếu đến từ sự khởi sắc mạnh mẽ của giá lúa mì, theo sau những lo ngại liên quan tới tương lai của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Ngoài ra, triển vọng khả quan đối với hoạt động xuất khẩu ngô của Mỹ sang thị trường Trung Quốc đã hỗ trợ đà tăng của giá.
Theo báo cáo của công ty tư vấn Safras & Mercado, xuất khẩu ngô trong tháng 2 của Brazil sang Trung Quốc đã giảm mạnh.
Dữ liệu cho thấy, các lô hàng ngô từ Brazil tới Trung Quốc trong tháng vừa rồi chỉ đạt 70.000 tấn, thấp hơn nhiều so mức 983.700 tấn của tháng 1 và hơn 1 triệu tấn của tháng 12/2022. Lý giải cho tình trạng này, Safras cho biết hiện nông dân Brazil đang ưu tiên cho hoạt động bán đậu tương hơn, khi mà hoạt động thu hoạch có nhiều tiến bộ. Bên cạnh đó, người mua từ Trung Quốc cũng chuyển sang mua nhiều ngô từ Mỹ và Ukraine hơn.
Thông tin trên cho thấy áp lực cạnh tranh của nguồn cung từ Brazil đối với ngô Mỹ tại thị trường Trung Quốc đã giảm đáng kể. Điều này đã thúc đẩy mạnh đối với giá ngô Chicago.
Bên cạnh đó, lực mua bắt đáy của các nhà đầu tư sau khi giá ngô giảm về mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8 năm ngoái cũng góp phần vào đà tăng của giá.
Giá dầu xuống mức thấp nhất 3 tháng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/3, thị trường năng lượng chứng kiến phiên lao dốc mạnh mẽ của cả 2 loại mặt hàng dầu thô WTI và Brent với mức giảm lần lượt là 4,64% xuống 71,33 USD/thùng và 4,11% xuống 77,45 USD/thùng. Lo ngại về lạm phát cố hữu buộc chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện, trong bối cảnh rủi ro tài chính kinh tế gia tăng đã kéo giá dầu ghi nhận phiên giảm trong ngày mạnh nhất kể từ ngày 4/1 năm nay, đẩy giá dầu đóng cửa mức thấp nhất trong vòng hơn 3 tháng.
Lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên giao dịch khi những rủi ro từ sự sụp đổ của Ngân hàng SVB từ trước đó và hệ thống ngân hàng liên đới khác có thể gặp bất lợi, tiếp tục đè nặng lên tâm lý thị trường, và thúc đẩy áp lực bán đối với dầu thô.
Lo ngại suy thoái kinh tế làm suy yếu nhu cầu, trong khi nguồn cung được bảo đảm, ít nhất là trong ngắn hạn khiến giá dầu gặp bất lợi.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ trong tháng 4/2023 được dự báo sẽ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2019, tương đương mức tăng 68.000 thùng/ngày lên 9,21 triệu thùng/ngày.
Tâm điểm của thị trường vẫn hướng về dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tháng 2 vừa qua. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng đúng theo dự đoán ở mức 6% so cùng kỳ năm ngoái, hạ nhiệt từ mức 6,4% trong tháng trước, và giá dầu đã nhận lực mua tích cực hơn ngay sau báo cáo.
Tuy nhiên, đà tăng không duy trì được lâu, khi lạm phát lõi vẫn tăng mạnh hơn 0,1 điểm phần trăm so tháng trước, tương đương mức tăng 0,5% so tháng 1. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ, với tỷ lệ cho rằng 25 điểm cơ bản được bổ sung trong kỳ họp sắp tới chiếm ưu thế. Lo ngại chi phí vay tiếp tục tăng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều sức ép như hiện tại đã thúc đẩy lực bán trên thị trường dầu.
Trong khi đó, báo cáo từ nhóm OPEC không mang tính hỗ trợ cho thị trường. Dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2023 nhìn chung không thay đổi so đánh giá của tháng trước ở mức 2,3 triệu thùng/ngày, đưa mức tiêu thụ trung bình trong năm đạt 101,9 triệu thùng/ngày.
OPEC dự kiến nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng 710.000 thùng/ngày vào năm 2023, tăng so dự báo 590.000 thùng/ngày của tháng trước. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong nhu cầu tại khu vực các nước phát triển OECD châu Mỹ và châu Âu đã hạn chế các tác động tích cực đối với bức tranh tiêu thụ toàn cầu.
Về nguồn cung, tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC vào năm 2023 được dự báo sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 67,2 triệu thùng/ngày, không thay đổi so tháng trước. Nhóm OPEC đã tăng mạnh ước tính nguồn cung trong quý I từ Nga bất chấp các lệnh trừng phạt khi sản xuất tiếp tục ổn định, dự kiến Nga sẽ bơm 10,9 triệu thùng mỗi ngày trong quý này, nhiều hơn khoảng 620.000 thùng mỗi ngày so ước tính trong báo cáo tháng trước.
Trong khi đó, sản lượng dầu thô của OPEC-13 đạt trung bình 28,9 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2023, cao hơn 117.000 thùng/ngày hằng tháng, nhờ sự phục hồi hơn nữa tại Nigeria.
Báo cáo cũng cắt giảm ước tính về lượng dầu thô mà OPEC cần bơm vào năm 2023 để cân bằng thị trường, thêm 200.000 thùng/ngày so báo cáo trước xuống còn 29,3 triệu thùng/ngày, cho thấy góc nhìn nguồn cung có xu hướng dồi dào hơn so nhu cầu.
Các thông tin trên đã góp phần đẩy giá dầu về vùng thấp nhất trong vòng hơn 3 tháng qua.
Trước loạt thông tin tiêu cực gây sức ép tới giá dầu, mới đây, Bộ trưởng năng lượng của Saudi Arabia nói với Energy Intelligence trong một cuộc phỏng vấn rằng liên minh OPEC+ sẽ tuân thủ các thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào tháng 10 cho đến cuối năm nay.
Ông cũng cho biết dự luật NOPEC (chống sự độc quyền) do Thượng viện Mỹ đề xuất là một khái niệm khác với các mức trần giá các nước phương Tây áp đặt đối với Moscow, nhưng chúng có tác động tiềm tàng tương tự đối với thị trường dầu mỏ.
Đồng thời, ông khẳng định nếu áp đặt trần giá đối với xuất khẩu dầu của Saudi, nước này sẽ không bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào áp đặt trần giá đó và sẽ giảm sản lượng dầu.
Ngoài ra, rạng sáng nay, báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy mặc dù tồn kho dầu thương mại Mỹ tăng 1,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 10/3 nhưng tồn kho xăng và nhiên liệu chứng cất giảm mạnh lần lượt là 2,9 triệu thùng và 4,6 triệu thùng, sẽ có thể hỗ trợ cho giá dầu phục hồi trở lại trong phiên sáng.
Giá dầu đối mặt nhiều sức ép trong ngắn hạn
Theo MXV, khi các yếu tố vĩ mô tiêu cực đang có xu hướng lấn át, đặc biệt là lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế tại các nước châu Âu và Bắc Mỹ có thể hạn chế nhu cầu tiêu thụ dầu, dự đoán trong vài tháng tới, giá dầu vẫn còn nhiều áp lực, và có thể xuống dưới vùng 70 USD/thùng.
Cùng với đó, việc nguồn cung cũng đang tương đối dồi dào so nhu cầu, ít nhất là trong ngắn hạn, cũng là yếu tố kiềm chế đà hồi phục của giá dầu.
Tuy nhiên, xét trong dài hạn, trường hợp nhu cầu tại khu vực châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ tăng trưởng mạnh mẽ hơn dự kiến, giá dầu có thể sẽ sớm quay trở lại vùng giá trên 80 USD/thùng vào nửa cuối năm nay.