Lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới

NDO - Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết phiên giao dịch ngày hôm qua (18/1), sắc đỏ bao phủ thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới

Chỉ số MXV-Index toàn bộ 4 nhóm hàng đều rơi điểm kéo theo chỉ số chung giảm phiên thứ ba liên tiếp, với 0,96% xuống 2.085 điểm. Tuy nhiên, nhờ ưu điểm giao dịch hai chiều nên giá trị giao dịch toàn Sở vẫn đạt gần 5.700 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 11,7%.

Giá trị giao dịch của nhóm hàng nông sản tăng mạnh đến hơn 58% so với hôm qua, chiếm gần 26,5% tổng giá trị giao dịch.

Lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới ảnh 1

Giá đậu tương xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm

Theo MXV, kết thúc ngày giao dịch 17/1, giá đậu tương lao dốc với mức giảm mạnh 1,75%. Chuỗi giảm giá liên tiếp đã đẩy giá xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 11/2021. Những dự báo kém tích cực về mùa vụ Brazil từ các hãng tin không còn đem lại nhiều bất ngờ cho thị trường và hỗ trợ giá. Thay vào đó, tình hình thời tiết ở các khu vực nông nghiệp của quốc gia Nam Mỹ này đang dần cải thiện hơn là yếu tố gây sức ép mạnh lên giá. Ngoài ra, đồng USD mạnh lên, nhu cầu yếu hơn tại Trung Quốc cũng góp phần tác động đến giá mặt hàng này.

Lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới ảnh 2

Cụ thể, dự báo nhập khẩu đậu tương trong quý I/2024 của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 20% so cùng kỳ năm ngoái sau khi hoạt động giết mổ lợn kỷ lục diễn ra. Bên cạnh đó, tồn kho đậu tương của nước này đã tăng mạnh do nhập khẩu 99,41 triệu tấn vào năm 2023 - mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây, chủ yếu từ Brazil.

Thêm nữa, việc Bắc Kinh thúc đẩy các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm hàm lượng đậu tương và thay bằng các sản phẩm khác như đậu phộng và hạt hướng dương cũng khiến nhu cầu đậu tương có thể tiếp tục sụt giảm. Công ty Beijing Dabeinong Technology cho biết, cây trồng biến đổi gene (GMO) có thể thâm nhập 85% thị trường Trung Quốc trong vòng 3-5 năm tới. Việc trồng thương mại các giống biến đổi gene sẽ làm tăng năng suất cây trồng và góp phần đạt mục tiêu giảm phụ thuộc vào nhập khẩu của nước này. Nhu cầu tại nhà mua hàng lớn nhất trên thế giới dự kiến sụt giảm đã góp phần tạo sức ép mạnh lên giá đậu tương trong phiên hôm qua.

Ở diễn biến khác, ANEC mới đây dự báo Brazil sẽ xuất khẩu 1,8 triệu tấn đậu tương trong tháng 1, tăng nhẹ 500.000 tấn so với ước tính tuần trước và cao hơn mức 940.000 tấn cùng kỳ năm ngoái. Việc các lô hàng đậu tương giá rẻ từ quốc gia này liên tục được đẩy ra thị trường đã tạo áp lực cạnh tranh lên giá CBOT.

Khô đậu tương là mặt hàng giảm mạnh nhất cả nhóm, khi đánh mất hơn 3% vào ngày hôm qua. Đà suy yếu của giá đậu tương đã kéo theo diễn biến giảm giá của mặt hàng này. Trong khi đó, ảnh hưởng lan tỏa từ diễn biến hồi phục của giá dầu thô đã hỗ trợ giá dầu đậu tăng gần 1% trong phiên hôm qua.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày hôm qua (17/1), giá khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Việt Nam tăng nhẹ. Theo đó, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ tại cảng Cái Lân ở mức 13.050-13.250 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao quý II, giá khô đậu tương dao động quanh mức 12.850-13.150 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 100 đồng so với cảng Cái Lân.

Đồng USD mạnh hơn thúc đẩy lực bán kim loại ra thị trường

Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/1, phần lớn các mặt hàng kim loại đều đối diện với sức ép giảm giá. Nguyên nhân chính là do dữ liệu kinh tế Trung Quốc kém tích cực đè nặng lên giá ngay từ phiên đầu ngày. Ngoài ra, tâm lý về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không vội cắt giảm lãi suất như thị trường kỳ vọng cũng đã khiến đồng USD mạnh hơn, tiếp tục thúc đẩy lực bán các mặt hàng kim loại ra thị trường.

Lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới ảnh 3

Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc giảm 1,84% xuống sát mốc 22,7 USD/ounce. Bạch kim thậm chí ghi nhận phiên giảm giá thứ bảy liên tiếp, giảm 1,64%, đánh mất mốc 900 USD/ounce, về mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Doanh số bán lẻ tháng 12 của Mỹ theo thống kê của Bộ Thương mại bất ngờ tăng trưởng 0,6% trong so tháng trước, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so dự báo. Đây là lĩnh vực chiếm khoảng 70% giá trị nền kinh tế Mỹ, cho thấy sự vững vàng của quốc gia phát triển hàng đầu thế giới bất chấp môi trường lãi suất cao.

Tăng trưởng trong lĩnh vực tiêu dùng khiến thị trường lo ngại đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của FED sẽ không sớm diễn ra ngay trong tháng 3. Giám đốc điều hành Goldman Sachs còn cảnh báo lạm phát có thể dai dẳng hơn dự kiến và đè nặng lên tăng trưởng. Điều này đã thúc đẩy đồng USD tăng giá, trực tiếp gây áp lực cho giá bạc và bạch kim do chi phí nắm giữ đắt đỏ hơn. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm tăng 1,08%, cũng khiến cho các sản phẩm trú ẩn kim loại quý trở nên kém hấp dẫn, từ đó thúc đẩy lực bán mạnh mẽ.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, áp lực tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc là nguyên nhân chính kéo giá suy giảm. Giá đồng COMEX đánh mất 0,89% giá trị xuống còn 3,73 USD/pound.

Cụ thể, theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), GDP quý IV/2023 của Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 5,2% so cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so dự báo. Doanh số bán lẻ tháng 12 chỉ tăng 7,4% so cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 0,6 điểm phần trăm so kỳ vọng thị trường, và giảm tốc mạnh mẽ từ mức tăng 10,2% ghi nhận trong tháng 11. Doanh số bán bất động sản Trung Quốc giảm 8,5% trong năm 2023, trong khi số vốn huy động của các nhà phát triển giảm 13,6%. Bức tranh kinh tế kém tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, đã trực tiếp gây áp lực cho giá đồng COMEX trong phiên.