Ngoại trừ nông sản, sắc đỏ hoàn toàn chiếm ưu thế trên bảng giá của cả 3 nhóm mặt hàng còn lại là năng lượng, kim loại và nguyên liệu công nghiệp. Tuy nhiên, giá trị giao dịch toàn Sở nhanh chóng tăng mạnh trở lại, đạt hơn 5.200 tỷ đồng, ổn định quanh mức trước nghỉ lễ.
Giá bạc giảm 3,7%, dẫn đầu đà suy yếu nhóm kim loại
Đóng cửa hôm qua 20/6, giá bạc dẫn dắt đà giảm của thị trường kim loại khi đánh mất 3,7% xuống còn 23,23 USD/ounce, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong vòng gần 6 tuần. Giá bạch kim suy yếu 1,95% xuống 968 USD/ounce.
Trong bối cảnh kinh tế Mỹ tích cực, dòng tiền rời khỏi thị trường kim loại quý do vai trò trú ẩn an toàn ít được phát huy, khiến giá chịu sức ép.
Theo dữ liệu kinh tế, số lượng nhà ở cho một hộ gia đình tại Mỹ, chiếm phần lớn trong thị trường xây dựng dân dụng, đã tăng 21,7% lên mức 1,631 triệu căn vào tháng 5, cao hơn so mức 1,34 triệu căn được điều chỉnh giảm vào tháng 4. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 4/2022.
Chỉ báo thị trường nhà ở mạnh mẽ là tín hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cố gắng hạ nhiệt lạm phát thông qua việc tăng lãi suất mạnh mẽ.
Hơn nữa, vào chiều 20/6, Commerzbank đã hạ dự báo giá của tất cả các mặt hàng kim loại quý trong nửa cuối năm 2023 so dự báo trước. Điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng giá kim loại quý vào cuối năm nay dẫn đến giá các mặt hàng đồng loạt gặp sức ép trong phiên.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp khi giảm 0,14%, trong khi giá quặng sắt đứt chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp, giảm 0,74%, chốt phiên tại 113,01 USD/tấn.
Trong phiên hôm qua, cả đồng và quặng sắt đều chịu sức ép do biện pháp kích thích kinh tế còn hạn chế tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu, gây tâm lý thất vọng cho thị trường.
Vào sáng 20/06, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) đối với cả hai kỳ hạn 1 năm và 5 năm (một tham chiếu cho các khoản thế chấp) lần đầu tiên sau 10 tháng, nhằm ổn định tăng trưởng và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Cụ thể, mức lãi suất LPR 1 năm giảm xuống còn 3,55% từ mức 3,65%, trong khi LPR 5 năm giảm còn 4,2% từ 4,3%.
Tuy nhiên, trước đó, phần lớn nhà đầu tư đều kỳ vọng PBOC sẽ cắt giảm 15 điểm cơ bản đối với LPR 5 năm, để hỗ trợ thị trường bất động sản yếu kém.
Có thể thấy, trong 1 tháng trở lại đây, kỳ vọng tiêu thụ phục hồi tại Trung Quốc đang là yếu tố dẫn dắt giúp giá đồng và giá sắt phục hồi.
Do đó, việc Chính phủ Trung Quốc vẫn còn thận trọng trong việc ban hành các chính sách kích thích tăng trưởng có thể khiến giá 2 mặt hàng kim loại cơ bản chủ chốt là đồng và quặng sắt chưa thể bứt phá, cho tới khi nhu cầu tiêu thụ trở nên rõ rệt hơn, thay vì chỉ dừng ở mức kỳ vọng như hiện tại.
Cà-phê Arabica thế giới sụt giảm mạnh, giá cà-phê nội địa vẫn duy trì ở vùng cao
Cà-phê Arabica dẫn đầu đà giảm của nhóm nguyên liệu công nghiệp với mức đóng cửa thấp hơn 2,57% so tham chiếu. Những tín hiệu tích cực về nguồn cung cà-phê toàn cầu trong thời gian tới đã gây ra áp lực khiến giá nối tiếp đà suy yếu từ phiên cuối tuần trước.
Cụ thể, tín hiệu nguồn cung khởi sắc đầu tiên đến từ 11.547 bao cà-phê đang chờ phân loại để bổ sung vào dữ liệu tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE.
Lượng cà-phê lưu trữ tăng lên, có thể khiến đà giảm suốt 4 tháng nay của số liệu này tạm ngừng, từ đó kiềm chế đà tăng của giá.
Hơn nữa, hoạt động thu hoạch cà-phê tại Brazil diễn ra thuận lợi sau lo ngại sương giá tan biến, kết hợp cùng triển vọng nguồn cung tích cực từ những dự báo thuộc chính phủ, tạo tiền đề để nông dân mạnh dạn trong việc bán hàng trong niên vụ 2023/24.
Trong khi đó, sau phiên khởi sắc đầu tuần, giá cà-phê Robusta đã quay đầu suy yếu nhẹ khi giảm 0,47% so tham chiếu. Tuy nhiên, mặt hàng này vẫn duy trì tại vùng giá cao.
Bất chấp các thông tin cơ bản trên thị trường vẫn xoay quanh lo ngại khan hiếm nguồn cung, những điều chỉnh về mặt kỹ thuật khiến giá Robusta đánh mất cơ hội tăng phiên thứ 2 liên tiếp trong tuần. Các sức ép kỹ thuật đã thúc đẩy lực bán khiến giá Robusta đảo chiều suy yếu.
Theo sát diễn biến giá thế giới, trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng đồng loạt giảm nhẹ 300 đồng/kg; sau khi thiết lập mức kỷ lục mới 67.000 đồng/kg vào ngày hôm qua. Tuy nhiên, giá thu mua cà-phê trong nước vẫn ở mức cao, dao động trong khoảng 66.200-66.900 đồng/kg.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, nước ta đã xuất khẩu được 149.667 tấn cà-phê trong tháng 5, giảm 8,5% so tháng trước. Đồng thời, lũy kế xuất khẩu cà-phê trong 5 tháng đầu năm cũng vẫn thấp hơn 3,9% so cùng kỳ năm 2022.
Số liệu này càng góp phần khẳng định thêm vấn đề nguồn cung cạn kiệt tại Việt Nam cũng như làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu. Đây tiếp tục sẽ là yếu tố chính giúp giá cà-phê Robusta giao dịch trên thế giới và giá cà-phê nội địa duy trì ở mức giá cao trong ngắn và trung hạn.