Trên cả nước, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xếp hạng hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng 3.591 di tích cấp quốc gia và Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng 123 di tích quốc gia đặc biệt. Có hơn 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Với di sản văn hóa phi vật thể, có khoảng 70.000 di sản được kiểm kê, trong đó 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhiều sưu tập hiện vật và di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia… đang được bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại các bảo tàng với tổng số trên 4 triệu hiện vật, trong đó 238 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia qua 10 đợt xét tuyển.
Tuy nhiên, thực tiễn đang diễn ra trong lĩnh vực di sản đòi hỏi cấp thiết có những sửa đổi, bổ sung vào Luật Di sản văn hóa để bắt kịp sự vận động, biến chuyển của xã hội, điều chỉnh những vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản của văn hóa dân tộc. Đặc biệt, đối với những quy định có tính khả thi chưa cao, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn cần phải sửa đổi hoặc bãi bỏ như trong lĩnh vực di tích, di sản văn hóa phi vật thể, quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và bảo tàng...
Tham gia thảo luận tại Hội thảo, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội nhận định, thời gian tới các bảo tàng tư nhân (bảo tàng ngoài công lập) tại Thủ đô sẽ có sự “bùng nổ” mạnh mẽ, đóng góp vào bức tranh bảo tồn di sản nói chung và phục vụ phát triển du lịch nói riêng.
Đồng quan điểm này, giáo sư, tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, nhiều nhà sưu tập tư nhân muốn xây dựng bảo tàng, nhưng họ còn băn khoăn về cơ chế, chính sách, các quy định pháp luật cụ thể. Nhà nước cần có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào các hoạt động bảo tàng.
Đối với di sản tư liệu, đây là chính sách mới, lần đầu tiên được đưa vào Luật Di sản văn hóa. Di sản tư liệu là sản phẩm mang thông tin từ những ký hiệu, mật mã, âm thanh hoặc hình ảnh, phản ánh thành tựu tiêu biểu của lịch sử, tư tưởng, văn hóa và khoa học một đất nước, dân tộc. Đến nay, chiến lược bảo vệ và phát huy giá trị di sản này còn chưa có, lĩnh vực quản lý còn chồng chéo, cần sớm xây dựng chính sách quản lý thống nhất.
Bàn về “di sản đô thị”, giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cho rằng việc bổ sung định nghĩa này trong Luật Di sản văn hóa là rất cần thiết, trong đó có việc đưa “di sản đô thị” vào nông thôn. Lâu nay chúng ta gặp lúng túng trong việc bảo tồn di sản đô thị, bởi ở góc độ di tích thì phải giữ nguyên hiện trạng, trong khi đã là “đô thị” thì luôn biến đổi, không ngừng cải tạo theo nhu cầu phát triển của cuộc sống, vì vậy rất cần chính sách phù hợp để giải quyết hài hòa mâu thuẫn này.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao, du lịch Lào Cai chỉ ra bất cập trong công tác lập hồ sơ di sản, có nhiều hồ sơ làm chưa đúng. Một di sản mang trong mình đồng thời các yếu tố như nghệ thuật ngôn từ, tạo hình, biểu diễn, như một chỉnh thể. Nhưng khi làm hồ sơ có khi ta chỉ nhấn mạnh vào một trong các yếu tố ấy mà bỏ qua những yếu tố còn lại; thậm chí yếu tố tín ngưỡng còn bị coi là mê tín.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng việc xây dựng hồ sơ, lưu trữ hồ sơ và cung cấp hồ sơ về di tích khảo cổ có địa phương làm tốt, lại có địa phương chưa làm tốt. Ông cảnh báo, nhiều di tích khảo cổ học sau khi khai quật đã bị phá hoại nghiêm trọng bởi cả các yếu tố tự nhiên lẫn con người.
Thứ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch Hoàng Đạo Cương đồng tình với ý kiến này và nhận xét: Lâu nay chúng ta mới chú ý việc phục hồi công trình mới trên di tích cũ mà chưa chú ý đến bảo vệ sự nguyên vẹn của di tích. Cần có những quy định của luật, sao cho việc khôi phục di tích không “dẫm chân” lên những giá trị cũ.
Thời gian dự kiến trình Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào dịp cuối năm 2024.