Lúa ngập úng, hư hại nặng, nông dân Phú Yên gặp khó

NDO - Tuần qua, do ảnh hưởng không khí lạnh Phú Yên có mưa vừa, có nơi mưa to. Cụ thể, từ 19 giờ ngày 8/1 đến 16 giờ 30 ngày 9/1 trên địa bàn tỉnh có lượng mưa vừa, mưa to đến rất to, phổ biến từ 20-150mm (Hòa Tâm: 150mm, Hòa Thịnh: 72,2mm).
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều diện tích lúa mới gieo sạ ở cánh đồng Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa bị ngập úng, mạ lúa bị hư nổi lềnh bềnh trên ruộng.
Nhiều diện tích lúa mới gieo sạ ở cánh đồng Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa bị ngập úng, mạ lúa bị hư nổi lềnh bềnh trên ruộng.

Mưa lớn, đúng thời điểm Phú Yên đang gieo sạ vụ lúa đông xuân, đã làm hơn 1.000ha lúa đông xuân mới gieo sạ bị thiệt hại nặng, nhiều diện tích mất mất trắng. Nếu vài ngày tới trời tiếp tục mưa, lúa bị hư hại sẽ tăng lên gấp nhiều lần, nông dân phải sạ lại lần hai, gây tốn kém và trễ vụ.

Sáng 10/1, phóng viên Báo Nhân Dân có mặt tại cánh đồng Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa chứng kiến cảnh nước ngập trắng đồng khi bà con vừa gieo giống. Cánh đồng này có hơn 700 ha, đã có đến gần 100 ha diện tích lúa mới gieo sạ một tuần bị ngập úng. Nhiều diện tích lúa mới gieo nổi lềnh bềnh, nông dân phải vớt bỏ, chờ nắng lên sạ lại.

Ông Nguyễn Sửu ở phường Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa cho biết: “Nhà tôi làm 20 sào (1ha) lúa, mưa đã 5-6 ngày rồi, nước ngập trắng bờ thế này, không rút được. Nhờ chính quyền địa phương có phương án giúp nông dân làm sao thoát nước , chứ lúa hư cứ sạ đi, sạ lại nhiều lần rất tốn kém…”

Cũng ở cánh đồng Phú Lâm, bà Nguyễn Thị Kim sạ hơn 1ha lúa, đến nay đã được gần 10 ngày, mạ nổi lềnh bềnh vì ruộng ngập quá sâu. “Chờ ruộng khô mới sạ lại được, nhưng nước ngập kiểu này không biết đến bao giờ mới rút hết”, bà Kim lo lắng nói.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, đã có gần 2.965ha; nặng nhất là thị xã Đông Hòa: 1.715ha và huyện Tây Hòa: 1.250ha; diện tích giống đã ngâm ủ thiệt hại: 260ha (thị xã Đông Hòa).

Cánh đồng Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa là một trong những chân ruộng bị ngập nặng nhất tỉnh Phú Yên. Đến ngày 10/1, nhiều diện tích vẫn còn ngập sâu, nguy cơ mất trắng 100% nếu nước không rút kịp.

Ông Lê Minh Tiền và người thân trong gia đình trồng lúa lớn nhất nhì ở cánh đồng này với tổng diện tích lên đến cả 15ha, than phiền: “Một sào, tiền cày tính ra hết 18kg lúa, tiền giống 18kg, bừa 50 nghìn, rồi tiền diệt ốc, thuốc cỏ, công mướn phun thuốc nữa, tổng cộng phải mất 350 nghìn đồng”.

Theo ông Nguyễn Văn Châu, nhân viên thủy lợi, Hợp tác xã phường Phú Lâm, nguyên nhân cánh đồng này ngập nặng là do cống thoát nước sân kho 8 không được gỡ, dẫn đến cách đây 2-3 ngày ruộng đã ngập úng, sau đó trời mưa tiếp, nước thoát không kịp.

Trung bình 1 sào lúa (500m2), đến thời điểm này nông dân đã bỏ chi phí từ 250 nghìn hơn 350 nghìn đồng. Nếu những ngày tới trời còn mưa, diện tích mất trắng có thể lên đến hàng nghìn héc-ta. Trong thời điểm hiện nay, với nhiều khoản chi phí sắm sửa Tết, việc phải sạ đi sạ lại lúa nhiều lần khiến nông dân đã vất vả lại càng thêm khó khăn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, vụ lúa đông xuân 2022-2023, toàn tỉnh trồng 26.500ha, lịch gieo sạ kết thúc vào ngày 10/1/2023. Thế nhưng, đến ngày 10/1, nông dân mới chỉ xuống giống được gần 90% diện tích. Số còn lại không kịp thời vụ, đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng đến năng suất, trong khi nhiều diện tích mất trắng đã sạ lại lần hai, nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn trong dịp Tết này.