Những ngày này về xã Bình Kiến, phường 9 không khí Tết đang đến rất gần. Trên khắp các ngả đường, hẻm phố rộn ràng tiếng người, tiếng xe các loại vận chuyển cây quất lên xe chuyển đi các nơi trong, ngoài tỉnh.
Theo các nhà vườn, năm nay, dù chi phí đầu vào tăng khá cao, nhưng nhờ giá bán cũng tăng và thương lái đặt hàng sớm, nên hầu hết các nhà vườn trồng quất, cúc ở Phú Yên đều yên tâm với vụ hoa Tết được cho là phấn khởi nhất trong 5 năm trở lại đây.
Theo tính toán của nhà vườn, giá cúc Tết năm nay tăng từ 40 đến 60 nghìn đồng một chậu, còn quất tăng đến cả 100 nghìn đồng. Mức tăng này hoàn toàn tương xứng với mức tăng đầu vào, nhất là chi phí đầu tư phân bón.
Bà Nguyễn Thị Hai, nông dân trồng hoa Tết ở phường 9, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên chia sẻ: “Giá cả phân bón lên lắm, nhưng mà mình nói bạn hàng giá phải chăng cho người ta bán kiếm vài đồng, nhà vườn lời một ít, người đi buôn cũng lời một ít”.
Là nhà vườn trồng quất lớn, năm nay, ông Nguyễn Ngọc Tân ở xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa trồng 900 chậu, cây nào cũng trĩu quả. Phấn khởi hơn là thương lái đã đến tận vườn đặt cọc mua hết với giá bình quân 250 nghìn đồng đồng/chậu. Với giá này, vườn quất của ông Tân thu lãi hơn 90 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ông Tân phấn khởi nói: “Quất bán cũng được, có giá hơn mọi năm. Mình trồng 900 cây, bán hết rồi”.
Là thương lái mua hoa xuống từ tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Đình Dũng cho rằng: “Năm nay, thương lái đến Phú Yên đông, chúng tôi tranh thủ mua hoa để chở về tỉnh Kon Tum bán”.
Phường 9 và xã Bình Kiến là hai vùng hoa Tết lớn nhất Phú Yên với tổng diện tích khoảng 55ha. Đến thời điểm này, đã có hơn 80% cúc và quất Tết được thương lái đến đặt cọc tiền trước để mua sỉ. Số còn lại, nông dân chờ giá tăng thêm, bù lại thiệt hại trong đợt gió đông bắc vào giữa tháng 12 vừa qua. Với giá cả và sức mua như hiện nay, nông dân trồng hoa Tết ở Phú Yên sẽ có một mùa xuân ấm áp, đủ đầy.
Cùng với hoa cúc, một loại hoa khác cũng phổ biến được trồng nhiều và đem lại thu nhập cao cho người trồng trong dịp Tết là hoa lay-ơn. Tuy nhiên, trong khi người trồng quất và hoa cúc có thu nhập cao đã xuất bán gần hết, thì người trồng hoa lay-ơn lại gặp khó khăn, khả năng thất thu lớn.
Sau đợt gió mùa đông bắc là những cơn mưa kéo dài kèm gió rét đã làm nhiều diện tích hoa lay-ơn của các nhà vườn ở tỉnh Phú Yên bị thiệt hại nặng.
Trời tiếp tục mưa, hoa lay-ơn ở làng hoa Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa tiếp tục hư hại, người trồng khả năng thất thu lớn khi Tết đến rất gần. |
Năm nay, ông Võ Tấn ở xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa trồng 3 sào hoa lay-ơn, đầu tư hết gần 45 triệu đồng. Ông Tấn hy vọng hoa sẽ trúng Tết, nhưng giờ phần bị hư hại, phần thì nở không kịp. “Mưa gió, hoa hư hết, trễ nữa, không khí quá lạnh, đành chịu chứ biết làm sao”, ông Tấn rầu rĩ.
Cùng cảnh ngộ, ông Trương Văn Lanh cũng ở thành phố Tuy Hòa than phiền: “Thời tiết bất lợi như thế này thì bà con trồng hoa lay-ơn, rau xanh thất thiệt”.
Xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa và xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa là hai vùng trồng hoa lay-ơn Tết truyền thống lớn nhất tỉnh Phú Yên với diện tích lên đến 35ha. Sau khi xuống giống thời gian ngắn, cây gặp gió đông bắc thổi mạnh rồi đợt mưa, lạnh kéo dài làm gần nửa trong 35ha bị hư hại.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa cho biết: “Hoa vừa được khôi phục xong sau gió mùa đông bắc thì tiếp tục gặp những trận mưa gió như thế này, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Đặc biệt, nhiều diện tích hoa sẽ bị trễ và ngoài Tết mới nở”.
Một sào hoa lay-ơn, nông dân phải bỏ chi phí ít nhất 10 triệu đồng. Thời tiết bất lợi như hiện nay khiến nhiều nhà vườn trồng hoa lay-ơn gần như không còn hy vọng thu hồi đủ vốn đầu tư, chứ đừng nói là có lãi. Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng trời vẫn còn mưa, lạnh làm cây chậm phát triển, trong khi người trồng tiếp tục phải nhổ bỏ những cây thối bông, thối gốc và càng thêm lo lắng.