Lựa chọn nhà thầu đủ năng lực làm đường cao tốc bắc-nam

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025, xây dựng các tiêu chí đối với nhà thầu để tham gia thi công dự án nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công hầm đường bộ trên tuyến cao tốc bắc-nam.
Thi công hầm đường bộ trên tuyến cao tốc bắc-nam.

Dự án cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó cho phép áp dụng cơ chế chỉ định thầu, bảo đảm khởi công trước ngày 31/12/2022.

Phải đạt năng lực, kinh nghiệm

Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, dự án cao tốc bắc-nam gồm có các công trình đường bộ cấp 1, công trình hầm đường bộ và cầu đường bộ từ cấp 3 trở lên. Theo quy định của pháp luật về xây dựng và đấu thầu, nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu phải đáp ứng điều kiện có chứng chỉ năng lực đối với công trình đường bộ, chứng chỉ năng lực phù hợp cấp công trình cầu, hầm của gói thầu đang xét, có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự về mặt kỹ thuật với tư cách là nhà thầu và có giá trị hợp đồng tương tự tối thiểu 50% giá gói thầu đang xét; có nguồn lực tài chính đáp ứng yêu cầu.

Trong 3 năm gần đây, doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng của nhà thầu phải tương đương giá gói thầu đang xét. Ngoài ra, nhà thầu phải huy động nhân sự, máy móc, thiết bị phù hợp quy mô gói thầu để triển khai bảo đảm chất lượng, tiến độ, trường hợp nhà thầu tham gia nhiều gói thầu, phải không trùng lặp về nhân sự, thiết bị nguồn lực tài chính, còn liên danh tham gia gói thầu, từng thành viên phải đáp ứng điều kiện năng lực, kinh nghiệm tương ứng,...

Theo báo cáo của các chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án, trong 10 năm qua, có gần 50 nhà thầu tham gia thi công xây dựng công trình giao thông cấp 2 trở lên có tính chất kỹ thuật tương tự và có giá trị hợp đồng lớn hơn hoặc bằng 350 tỷ đồng; trong đó, có 18 nhà thầu tham gia gói thầu giá trị từ 350 đến 500 tỷ đồng; 16 nhà thầu tham gia gói từ 500 đến 1.000 tỷ đồng, 7 nhà thầu tham gia gói từ 1.000 đến 1.500 tỷ đồng, 7 nhà thầu tham gia gói lớn hơn 1.500 tỷ đồng.

Theo dự án đầu tư được duyệt, tổng mức đầu tư các dự án thành phần cao tốc bắc-nam có giá trị từ gần 7.650 đến 20.500 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp để lựa chọn nhà thầu tương ứng khoảng 5.932 đến 15.131 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, phải lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện, không chia nhỏ gói thầu để bảo đảm tính đồng bộ.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp lớn (tập đoàn, tổng công ty) đã tham gia đầu tư các dự án xây dựng công trình giao thông, khu đô thị, công nghiệp lớn với tư cách nhà đầu tư, không phải nhà thầu thi công xây dựng công trình giao thông. Các doanh nghiệp này khi tham gia thực hiện dự án với tư cách nhà thầu thi công phải đáp ứng kinh nghiệm theo quy định pháp luật về xây dựng và đấu thầu nêu trên. Ðối với tư vấn giám sát, trong 5 năm qua, có khoảng 27 tư vấn đã tham gia giám sát thi công xây dựng công trình giao thông cấp 2 trở lên có giá trị hợp đồng hơn hoặc bằng 2 tỷ đồng.

Theo dự án đầu tư được duyệt, tổng mức đầu tư các dự án thành phần cao tốc bắc-nam có giá trị từ gần 7.650 đến 20.500 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp để lựa chọn nhà thầu tương ứng khoảng 5.932 đến 15.131 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, phải lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện, không chia nhỏ gói thầu để bảo đảm tính đồng bộ. Từ thực tiễn triển khai dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn 2017-2020 vừa qua cho thấy, nếu phân chia khoảng 20 đến 40km/gói thầu, giá trị dự kiến khoảng 3-5 nghìn tỷ đồng, khi đó một gói thầu thi công xây dựng khoảng 3 nhà thầu liên danh sẽ thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, phối hợp trong quá trình triển khai thi công và quản lý chi phí đối với các nhà thầu trong liên danh cũng như của chủ đầu tư.

Trường hợp phân chia gói thầu có quy mô từ 5 đến 15 nghìn tỷ đồng, theo số liệu khảo sát về nhà thầu xây lắp, trong 5 năm gần đây, sơ bộ đánh giá chỉ có 1 nhà thầu đã thi công với giá trị 3.642 tỷ đồng, đủ năng lực thực hiện gói thầu giá trị khoảng 7.284 tỷ đồng. Mở rộng phạm vi 10 năm gần đây, có một nhà thầu đã thi công với giá trị 5.715 tỷ đồng, đủ năng lực thực hiện gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 11.430 tỷ đồng. Các nhà thầu còn lại không đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu có quy mô 5 đến 15 nghìn tỷ đồng với tư cách nhà thầu độc lập, phải thành lập liên danh khoảng 5-10 nhà thầu mới đáp ứng các yêu cầu.

Giá trị gói thầu từ 3 đến 5 nghìn tỷ đồng

Thực tế cho thấy, khi nhiều nhà thầu chính tham gia 1 gói thầu (số lượng liên danh nhiều hơn 5 nhà thầu/gói thầu) việc quản lý thực hiện hợp đồng sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc: bộ máy quản lý, năng lực tổ chức điều hành khó đồng bộ, thống nhất; mất nhiều thời gian để thỏa thuận, phân chia trách nhiệm, phạm vi công việc; có thể dẫn tới chia nhỏ công địa thi công, khó phân định trách nhiệm giữa các nhà thầu nếu vi phạm chất lượng, tiến độ.

Nếu phân chia nhỏ, sẽ có nhiều nhà thầu tham gia, khó bảo đảm tính đồng bộ, chất lượng và tiến độ, không thu hút được nhà thầu mạnh về năng lực, kinh nghiệm tham gia. “Trên cơ sở các tiêu chí, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị phân chia gói thầu với phạm vi khoảng 20 đến 40km/gói thầu và có giá trị dự kiến khoảng 3-5 nghìn tỷ đồng. Như vậy, 12 dự án thành phần cao tốc bắc-nam dài 729km, dự kiến sẽ được chia thành 30 gói thầu; số lượng mỗi liên danh khoảng 3 nhà thầu/gói thầu.

Số lượng nhà thầu đáp ứng quy mô gói thầu có giá trị 1.500 tỷ đồng trở lên không nhiều, một nhà thầu có thể được chỉ định thầu nhiều hơn một gói thầu nếu đáp ứng năng lực thực hiện. Việc phân chia giá trị gói thầu như trên cũng phù hợp năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu tư vấn giám sát hiện nay”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đề xuất.

Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, để bảo đảm lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch, ngoài tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục theo quy định về đấu thầu, Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức thực hiện theo hai bước: Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, công bố công khai tiêu chí lựa chọn nhà thầu để các nhà thầu tự đánh giá khả năng, tìm kiếm đối tác đáp ứng tiêu chí để liên danh đăng ký tham gia.

Trên cơ sở danh sách đăng ký, Bộ sẽ đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm; xác định danh sách và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng những nhà thầu đủ điều kiện. Bước tiếp theo, căn cứ phạm vi gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn lập dự toán; phê duyệt hồ sơ yêu cầu; phát hành hồ sơ yêu cầu cho nhà thầu trong danh sách để nhà thầu chuẩn bị hồ sơ đề xuất; đánh giá hồ sơ đề xuất và thẩm định, phê duyệt kết quả chỉ định thầu.

Nghiên cứu các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm nhà thầu làm cao tốc bắc-nam do Bộ Giao thông vận tải xây dựng, trình Chính phủ, lãnh đạo một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực giao thông đánh giá, việc phân chia gói thầu giá trị 3.000 đến 5.000 tỷ đồng, liên danh mỗi gói thầu không quá 3 đơn vị tham gia là hợp lý, tuân thủ đúng quy định hiện hành. Giá trị đề xuất gói thầu như vậy đủ để loại bỏ những nhà thầu nhỏ, ít kinh nghiệm, tạo điều kiện cho nhà thầu quy mô lớn thể hiện năng lực, giúp dự án trọng điểm như cao tốc bắc-nam không bị “cắt lát, băm nhỏ”, thi công manh mún, ảnh hưởng sự đồng bộ về tiến độ và chất lượng.

Ðại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cũng đồng tình đề xuất nêu trên và cho rằng, chia dự án cao tốc bắc-nam thành 30 gói thầu là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Nếu chia gói thầu giá trị lớn hơn (5-10 nghìn tỷ đồng) sẽ ít nhà thầu đủ điều kiện. “Tuy nhiên, trong 30 gói thầu, cấp có thẩm quyền nên nghiên cứu để 5-7 gói, thậm chí nhiều hơn, có giá trị lớn hơn 5.000 tỷ đồng để có sự phân cấp rõ ràng, cho các nhà thầu năng lực thi công tốt, kinh nghiệm dày dạn được triển khai khối lượng công việc liền mạch, thuận lợi trong đầu tư, huy động trang thiết bị và nhân lực.

PGS, TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cũng đề xuất: Thay vì lựa chọn hình thức liên danh, nên nghiên cứu áp dụng mô hình tổng thầu, lựa chọn một nhà thầu từng thi công nhiều gói thầu đường cao tốc, tích lũy được kinh nghiệm và hiểu yêu cầu kỹ thuật làm tổng thầu để tối ưu hiệu quả. “Tổng thầu sẽ chịu trách nhiệm chỉ huy, huy động nguồn lực, tài chính, lựa chọn thầu phụ đủ năng lực tham gia gói thầu sao cho công trình đạt được chất lượng cao nhất.

Trường hợp áp dụng mô hình này, cơ quan chức năng có thể vận dụng linh hoạt hệ thống pháp luật liên quan để giá trị gói thầu nâng lên cao hơn 5.000 tỷ đồng, thậm chí 10 nghìn tỷ đồng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn được tham gia khối lượng công việc lớn và giảm áp lực cho bộ máy quản lý dự án”, PGS, TS Trần Chủng kiến nghị.