“Lỗ hổng” miễn dịch khiến gia tăng trẻ mắc Adenovirus

NDO - Hiện chưa có vaccine phòng bệnh do virus Adeno, trong khi nếu trẻ sơ sinh nhiễm virus này sẽ có diễn biến tương đối nặng. Vì thế, cách phòng bệnh do virus Adeno rất quan trọng trong giai đoạn nhiều bệnh lý hô hấp lưu hành hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Trẻ mắc Adenovirus nhập viện điều trị.
Trẻ mắc Adenovirus nhập viện điều trị.

Virus Adeno có thể gây bệnh quanh năm

BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, virus Adeno là loại virus quen thuộc, lây qua đường hô hấp, thường trú ở hầu họng của người bệnh.

Virus Adeno có thể gây bệnh quanh năm, tùy theo thời tiết và độ miễn dịch cộng đồng. Virus adeno thường gây ra bệnh về đường hô hấp kèm đau mắt đỏ.

“Virus Adeno thường lây truyền qua đường giọt bắn khi nói chuyện hoặc tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh. Ngoài ra, virus adeno cũng có thể gây bệnh gián tiếp khi người bệnh ho, virus bám vào bàn tay hoặc bám vào các bề mặt phẳng, người khác chạm vào sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh”, bác sĩ Khanh cho hay.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, từ tháng 8/2022 đến nay, bệnh viện ghi nhận gia tăng đột biến ca mắc virus Adeno so với năm 2021. Tính đến ngày 12/9/2022, tổng số ca nhiễm Adenovirus được ghi nhận tại bệnh viện là 412 ca, nhiều hơn cả năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ, trong đó đã có 6 trường hợp bệnh nhân tử vong có nhiễm Adenovirus.

Lý giải về nguyên nhân gia tăng số ca mắc Adenovirus, bác sĩ Khanh nhận định, do gần đây có nhiều trẻ mắc bệnh đường hô hấp trên và các bệnh viện có chiến dịch tìm hiểu nguyên nhân mắc viêm hô hấp, viêm phổi.

Sau khi thực hiện xét nghiệm, các cơ sở y tế phát hiện ra trẻ nhiễm bệnh do virus Adeno. Việc trẻ mắc bệnh đường hô hấp do nhiễm virus adeno hay do các loại virus khác đều không ảnh hưởng đến phương pháp điều trị bệnh.

“Việc bùng phát bệnh do virus Adeno gây ra hoàn toàn không liên quan đến Covid-19 mà có thể liên quan đến khoảng thời gian giãn cách trước đó. Việc giãn cách khiến trẻ em không thể hòa nhập với cộng đồng, điều này gây ảnh hưởng tới hệ miễn dịch của trẻ đối với các loại virus bao gồm cả virus adeno. Do đó, khi trẻ tái hòa nhập với cộng đồng với "lỗ hổng" miễn dịch khiến số ca mắc tăng cao”, bác sĩ Khanh nhận định.

Đối tượng nào nguy cơ trở nặng?

Virus Adeno là loại virus phổ biến dễ lây lan, thường trú trong họng của những người bị cảm nhẹ, những người bị viêm hô hấp. Số ca mắc virus adeno tăng cao sẽ gây quá tải và khó khăn cho việc chăm sóc, điều trị bệnh. Ngoài ra, số ca mắc tăng cao cũng có thể gây ra tình trạng bội nhiễm cho cả những trẻ không mắc virus adeno vào viện khám.

Những trẻ mắc virus Adeno vào viện khám cũng có nguy cơ cao mắc thêm các bệnh khác, làm tăng nguy cơ trở nặng.

Theo bác sĩ Khanh, những trẻ bị tim bẩm sinh, hen suyễn, mắc bệnh phổi mạn tính,... là nhóm có nguy cơ trở nặng khi nhiễm virus Adeno.

Dấu hiệu nhận biết trẻ nhiễm bệnh virus Adeno như: sốt, ho, sổ mũi, đau mắt đỏ. Dấu hiệu cảnh báo trẻ cần nhập viện thường là dấu hiệu của viêm đường hô hấp dưới như thở lõm, sốt cao trên 48 tiếng không dứt.

Tùy theo cơ địa của từng người mà thời gian nhiễm bệnh do virus Adeno có thể kéo dài 3-7 ngày. Tuy nhiên, người nhiễm bệnh do virus adeno có thể bị bội nhiễm và bệnh có thể kéo dài đến 2-3 tuần.

Theo bác sĩ Khanh, người lớn không nên tự ý mua thuốc để điều trị bệnh cho trẻ. Bởi vì, các loại thuốc để điều trị triệu chứng cần phải uống đúng theo lứa tuổi; thuốc hạ sốt cần uống đủ liều cho từng độ tuổi khác nhau.

“Thuốc kháng sinh không có tác dụng trong điều trị bệnh do virus và virus Adeno gây ra. Ngược lại, thuốc kháng sinh còn khiến trẻ mệt mỏi hơn hoặc thậm chí gây ra tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ, khiến việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn. Do đó, thuốc kháng sinh cần uống đúng theo chỉ định của bác sĩ và cha mẹ không nên tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Cần làm gì phòng ngừa cho trẻ?

Theo chuyên gia này, việc phòng ngừa bệnh do virus Adeno gây ra tương đối khó. Tuy nhiên, người lớn có thể áp dụng một số phương pháp sau để phòng ngừa bệnh: sau khi về nhà hoặc sau khi chạm vào các đồ vật, người lớn cần rửa tay với xà phòng, thay quần áo sạch rồi mới ôm hôn trẻ để tránh virus bám trên người lây cho trẻ.

Nếu nhận thấy bản thân có các triệu chứng như ho, sổ mũi, cần đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc trực tiếp với trẻ con để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Cha mẹ cần vệ sinh nhà cửa thường xuyên.

Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên cho trẻ cách ly ở nhà để hạn chế nguy cơ lây nhiễm sang những trẻ khác. Cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen rửa tay đúng cách.

Cần cho trẻ ăn đủ chất, uống đủ nước, nghỉ ngơi đầy đủ để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

“Trẻ sơ sinh nhiễm virus Adeno thường tương đối nặng. Vì vậy, để phòng tránh bệnh ở trẻ sơ sinh, cha mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với càng ít người càng tốt và người lớn cần chủ động bảo vệ trẻ bằng cách rửa tay với xà phòng, thay quần áo sạch trước khi chăm sóc trẻ”, bác sĩ Khanh lưu ý.

Phương pháp chăm sóc trẻ nhiễm virus Adeno giống với phương pháp chăm sóc trẻ bị viêm hô hấp trên do virus. Cụ thể, chúng ta cần điều trị triệu chứng ở trẻ.

- Giảm tình trạng ngạt mũi ở trẻ để trẻ dễ dàng ăn uống và nghỉ ngơi hơn.

- Bổ sung đủ nước cho trẻ.

- Sử dụng thuốc ho để giảm ho.

- Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi, giảm tình trạng sổ mũi.

- Nếu trẻ sốt cao không dứt, cần cho trẻ đi khám để loại trừ sốt xuất huyết.

- Đếm nhịp thở của trẻ, quan sát tình trạng thở lõm ở trẻ.

Thông thường trẻ mắc bệnh do virus Adeno gây ra thường khỏi sau 3-7 ngày. Tuy nhiên, trẻ vẫn có khả năng trở nặng nhưng tỷ lệ trẻ trở nặng tương đối ít.

Để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm, cha mẹ cần chú ý quan sát các triệu chứng như thở lõm, sốt cao không dứt ở trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cần bổ sung đủ nước để làm loãng đờm, tránh cho đường thở bị tắc, tạo điều kiện thuận lợi cho virus lan xuống phổi.