Linh hoạt điều chuyển vốn, nâng cao hiệu quả đầu tư công

NDO - Theo ước tính, các bộ, ngành, địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tốt có thể thiếu hơn 100 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công vào thời điểm cuối năm, trong khi một số nơi không “tiêu hết” vốn được giao theo kế hoạch. Do đó, công tác điều chuyển vốn trở nên rất quan trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Nam Định thúc đẩy đầu tư công, tạo vốn mồi cho tăng trưởng kinh tế-xã hội.
Tỉnh Nam Định thúc đẩy đầu tư công, tạo vốn mồi cho tăng trưởng kinh tế-xã hội.

Giải ngân quý I cao hơn cùng kỳ

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước năm 2024 được giao thấp hơn khoảng 100 nghìn tỷ đồng so với năm 2023 vì đã kết thúc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, tốc độ giải ngân quý I/2024 đạt kết quả tích cực hơn khi khối lượng giải ngân đạt hơn 80 nghìn tỷ đồng, bằng 13,7% kế hoạch năm, cao hơn cả về số tương đối và tuyệt đối so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt hơn 10% kế hoạch).

“Kết quả này cho thấy các giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra đã phát huy hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Phân tích bài học thành công trong giải ngân vốn đầu tư công đầu năm 2024, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Chính phủ đã có rất nhiều cải cách, đổi mới trong thể chế và đặc biệt là có những cơ chế mới, cơ chế đặc thù, trình các cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội ban hành trong thời gian qua áp dụng cho các dự án quy mô lớn, dự án quan trọng.

Công tác chỉ đạo điều hành được Chính phủ áp dụng và triển khai hết sức quyết liệt cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thời gian gần đây. Đến nay, Chính phủ đã thành lập 26 Tổ công tác đôn đốc giải ngân đầu tư công do các đồng chí bộ trưởng, thành viên Chính phủ làm tổ trưởng để đi đôn đốc tất cả các giải pháp trong đó có đầu tư công.

Quan trọng nhất là các bộ, ngành, địa phương đã tự giác, quyết liệt trong việc tổ chức triển khai thi công các công trình. Do đó, hầu như tất cả những trở ngại thông thường đối với các công trường thi công đều có những giải pháp để vượt qua, thúc đẩy tiến độ thi công nhanh nhất, tốt nhất và đạt khối lượng cao nhất, từ đó tăng được khối lượng vốn giải ngân.

Bên cạnh đó, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương trong việc xử lý các tình huống phát sinh trong thực tế đã giúp quá trình đầu tư công không bị đứt quãng.

Năm 2024, kế hoạch đầu tư vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương là hơn 663 nghìn tỷ đồng, bao gồm hơn 231 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước là 211.458 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 20.000 tỷ đồng) và hơn 432 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.

Nếu tính chung cả kế hoạch vốn các năm trước được cho phép kéo dài sang là 25.948,7 tỷ đồng thì tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 lên đến 732.155,15 tỷ đồng.

Về vốn giải ngân, Bộ Tài chính cho biết ước thanh toán tính đến cuối tháng 4/2024 là gần 116 nghìn tỷ đồng, đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 giải ngân 15,65%).

Trong đó, vốn trong nước là gần 115 nghìn tỷ đồng (đạt 17,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), vốn nước ngoài là hơn 1.309 tỷ đồng (đạt 6,55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong những quý còn lại của năm 2024, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nói trên với mức độ cao hơn, hiệu quả hơn để có thể phấn đấu mục tiêu giải ngân hơn 95% kế hoạch vốn đầu tư công.

Xử lý vướng mắc các dự án lớn

Bên cạnh đó, thực tiễn giải ngân vốn đầu tư công cũng đang đòi hỏi cần bổ sung thêm các giải pháp xử lý tình huống phát sinh đối với các dự án, đặc biệt là các dự án lớn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong quá trình thực hiện các dự án này không tránh khỏi những tình huống phát sinh từ khâu giải phóng mặt bằng, va chạm trong các bước thủ tục đền bù cho người dân… Chỉ cần vướng một vài hộ gia đình là có thể ảnh hưởng đến tiến độ của cả một dự án; hoặc trong quá trình khảo sát thăm dò, thiết kế dự án phát sinh những yếu tố mà mà khi phê duyệt dự án chưa có được các thông số.

Tất cả các tình huống phát sinh như vậy cần phải làm nhanh để dự án không bị đình trệ, bị ngắt quãng, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Trong thực tế, các tình huống phát sinh là khó lường, do đó các ban quản lý dự án phải nhạy bén, linh hoạt trong xử lý các tình huống mới có thể bảo đảm được tiến độ.

Hiện nay Quốc hội đã có đoàn giám sát tối cao về tình hình triển khai các dự án quan trọng của quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, gồm những dự án quy mô rất lớn, có tác động lan tỏa đến đời sống kinh tế-xã hội.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu tiếp tục duy trì tốc độ giải ngân tốt, dự báo đến cuối năm có thể thiếu hơn 100 nghìn tỷ đồng vốn kế hoạch cho các dự án thuộc bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng về dự báo khối lượng vốn giải ngân thực tế năm 2024 và 2025 có thể thiếu hụt so với tổng hạn mức của kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Trong tình hình đó, cần điều chỉnh hài hòa kế hoạch đầu tư công, chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu để giải ngân hết vốn kế hoạch được giao cho cả năm, không để đọng vốn.

“Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải từ sớm từ xa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng chủ trương rà soát kế hoạch 2024 ngay từ bây giờ để phát hiện sớm những nơi thừa vốn để ghi nhận tổng hợp lại. Khi có bộ, ngành, địa phương thiếu thì sẵn sàng khoản vốn dư để điều chuyển đến chỗ đó để giải ngân. Đây là câu chuyện điều hành kế hoạch và năm nay sẽ là năm điều chỉnh kế hoạch rất nhiều lần để bảo đảm tiền được chuyển đi chuyển lại thật điều hòa từ nơi thừa sang nơi thiếu”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.