Linh hoạt các giải pháp chống ùn tắc giao thông

Số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội diễn biến phức tạp. Hàng loạt biện pháp đã được cơ quan chức năng triển khai, từ cắt xén lòng đường, vỉa hè đến bố trí, phân luồng giao thông, bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, đây chỉ là các giải pháp tình thế; về lâu dài, thành phố vẫn cần quản lý và đầu tư với tầm nhìn dài hơi hơn.
Giao thông tại khu vực Ngã Tư Sở thông thoáng hơn sau khi thực hiện phương án phân luồng giao thông mới từ cuối tháng 12/2023.
Giao thông tại khu vực Ngã Tư Sở thông thoáng hơn sau khi thực hiện phương án phân luồng giao thông mới từ cuối tháng 12/2023.

Đã hơn một tuần qua, anh Hoàng Anh Tuấn vẫn chưa hết ngạc nhiên mỗi lần đi qua Ngã Tư Sở vì đường thông thoáng hơn rất nhiều, xe không còn phải nhích từng tý một, đến gần chục nhịp đèn mới qua được. "Có lẽ lần này ngành giao thông vận tải thành phố đã tìm ra đúng giải pháp để khắc phục tình trạng ùn ứ tại khu vực này", anh Tuấn phấn khởi nói.

Như vậy, sau bốn lần điều chỉnh thất bại, đến lần thứ năm này, việc phân luồng tại Ngã Tư Sở đã phát huy hiệu quả. Theo đó, lực lượng chức năng đã để các phương tiện từ đường Trường Chinh vào nút Ngã Tư Sở muốn rẽ trái đi Nguyễn Trãi đi trên làn sát dải phân cách (tại phần đường cũ).

Các phương tiện từ Trường Chinh muốn quay đầu đi trên làn sát dải phân cách (tại phần đường cũ), còn phương tiện muốn đi thẳng sang đường Láng đi trên hai làn dưới gầm cầu vượt tại lối mở mới (về phía đường Tây Sơn); muốn rẽ phải đi Tây Sơn đi trên một làn sát vỉa hè. Điều này đã giảm xung đột giữa các làn xe, giúp các phương tiện lưu thông thuận lợi hơn, nhất là phương tiện đi từ đường Trường Chinh đi đường Láng.

Đại diện Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, qua khảo sát, trong năm 2023, trên địa bàn thành phố có 37 điểm ùn tắc giao thông (gồm 10 điểm phát sinh mới và 27 điểm tồn tại từ năm 2022).

Từ kết quả khảo sát, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) thống nhất các phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, phân loại các vị trí ùn tắc theo nguyên nhân để xử lý. Trong số này, có 17 điểm ùn tắc do rào chắn phục vụ thi công; 14 điểm ùn tắc do chậm triển khai công tác đầu tư kết cấu hạ tầng theo quy hoạch; 2 điểm ùn tắc do đề xuất bổ sung quy hoạch đầu tư xây dựng cơ bản; 4 điểm do quá tải lưu lượng phương tiện.

Từ việc xác định nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông, các ngành chức năng đã đưa ra các giải pháp phù hợp. Thí dụ như tại khu vực nút giao Trung Văn-Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm), xác định ùn tắc là do lưu lượng phương tiện lớn, trong khi ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, cho nên cơ quan chức năng đã tiến hành bịt nút giao Trung Văn-Tố Hữu và tổ chức cho các phương tiện quay đầu tại điểm mở dải phân cách giữa và tại nút giao Trung Văn-cầu Mỗ Lao; mở thêm điểm quay đầu lùi về phía quận Hà Đông cho xe máy, nhằm giảm tải lưu lượng phương tiện tại điểm quay đầu hiện trạng.

Với việc thực hiện các giải pháp cải tạo hạ tầng, lắp đặt bổ sung và điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu, tổ chức lại giao thông và tăng cường lực lượng chốt trực..., trong năm 2023, thành phố Hà Nội đã xử lý được 15/37 điểm ùn tắc giao thông.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, nhu cầu đi lại cũng như lượng phương tiện cá nhân của thành phố gia tăng chóng mặt, gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông. Mới đây, Sở Giao thông vận tải cũng đã đề xuất triển khai dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở-Cầu Giấy) với quy mô mặt cắt rộng 53,5m, dài 3,44 km, tổng mức đầu tư dự kiến 8.500 tỷ đồng.

Dự án được triển khai nhằm giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở, cũng như phát huy hiệu quả tuyến đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở. Cùng với đó là dự án đầu tư xây dựng đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đoạn từ Phạm Văn Đồng đến phố Trần Vỹ (bao gồm cả hầm chui qua đường Phạm Văn Đồng với quy mô bốn làn xe); tổng mức đầu tư khoảng 850 tỷ đồng. Dự án nhằm từng bước hoàn thiện tuyến đường trục hướng tâm hồ Tây-Ba Vì, tăng cường kết nối đường Hoàng Quốc Việt với đường Trần Vỹ, giảm tải cho nút giao Mai Dịch và tuyến đường 32 hiện hữu.

Bên cạnh việc tập trung đầu tư, cải thiện hạ tầng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, trong năm 2024, các cơ quan chức năng sẽ xác định các vị trí có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, nhất là vào giờ cao điểm để bố trí lực lượng phối hợp hướng dẫn, phân luồng; duy trì các tổ công tác, tiến hành họp hằng tuần để kịp thời xử lý các bất cập về tổ chức giao thông nhằm từng bước hạn chế hơn nữa tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.