Nhiều điểm sáng trong khó khăn
Là mặt hàng xuất khẩu chủ lực song kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã gặp rất nhiều khó khăn từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, đà giảm đã bắt đầu chững lại khi trong tháng 8/2023, xuất khẩu thủy sản đã ước đạt 846 triệu USD, tuy vẫn thấp hơn 15% so tháng 8/2022, nhưng là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng qua và doanh số cao hơn hẳn so những tháng trước.
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ năm 2021 trở lại đây, dịch Covid-19, chiến sự Nga-Ukraine, lạm phát… khiến diễn biến xuất khẩu thủy sản bị xáo trộn, không theo quy luật hằng năm là sẽ tăng cao hơn vào nửa cuối năm, đặc biệt giai đoạn quý III.
Tuy nhiên, Hội chợ Thủy sản Quốc tế Vietfish 2023 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh từ cuối tháng 8/2023 đã thu hút hơn 15 nghìn lượt khách tham quan, trong đó có rất nhiều nhà nhập khẩu và đối tác nước ngoài đến từ các nước đã tạo ra nhiều tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
“Sau Vietfish 2023 hy vọng tình trạng xuất khẩu trầm lắng nửa đầu năm sẽ thay đổi cục diện theo chiều hướng khởi sắc hơn. Riêng trong tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 846 triệu USD, tuy vẫn hơn 15% so tháng 8/2022, nhưng là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng qua và doanh số cao hơn hẳn so những tháng trước”, bà Lê Hằng kỳ vọng.
Xu hướng phục hồi của xuất khẩu thủy sản cũng là xu hướng chung của hoạt động xuất nhập khẩu. Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 8, kim ngạch xuất khẩu đạt 32,76 tỷ USD, tăng 9% (tương ứng tăng 2,69 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 29,32 tỷ USD, tăng 8,6% (tương ứng tăng 2,32 tỷ USD). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 62,08 tỷ USD, tăng 8,8% so với tháng trước (tương ứng tăng 5,01 tỷ USD).
Như vậy, đây là tháng đầu tiên từ đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt mốc 60 tỷ USD/tháng. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong một năm trở lại đây và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Trong 7 tháng trước đó, xuất nhập khẩu thường ở mức hơn 50 tỷ USD/tháng, thậm chí tháng 1 và tháng 2 chưa đạt được con số 50 tỷ USD/tháng.
Tháng 8 là tháng thứ tư liên tiếp xuất khẩu có mức tăng và kết quả này giúp cho kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục đà phục hồi, theo đó tháng sau cao hơn tháng trước.
Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải
Kết quả này giúp kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đà phục hồi tháng sau cao hơn tháng trước, trong đó xuất khẩu hàng hóa tháng 8 tăng 9% so tháng trước, là mức phục hồi khá tích cực nếu so sánh với mức tăng kim ngạch xuất khẩu các tháng trước đó: tháng 5 tăng 4,3% so tháng 4; tháng 6 tăng 4,5% so tháng 5; tháng 7 tăng 0,8% so tháng 6.
Một điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8 là tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (tăng 8,7%) cao hơn khu vực FDI (tăng 7,3%) và cao hơn so với mức tăng xuất khẩu chung cả nước (7,7%). Tính chung 8 tháng, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ giảm 2,5% so với mức giảm 9,3% của khu vực FDI (kể cả dầu thô).
Điều này một mặt cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước so với khu vực FDI, nhưng một mặt cũng cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp FDI vốn được xem là khu vực có thị trường và chuỗi cung ứng ổn định hơn.
Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so cùng kỳ năm trước. Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,4%).
Về nguyên nhân phục hồi xuất khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ngoài việc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là doanh nghiệp đã hết sức nỗ lực, cố gắng, còn có nguyên nhân đến từ chính sách. Nhiều chính sách được ban hành phù hợp với điều kiện thực tiễn và hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân tích, có thể thấy xuất khẩu từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 giảm có nguyên nhân là nhu cầu trên thế giới giảm. Lạm phát cao tại các nước cũng như việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cùng với hàng tồn kho ở mức cao khiến các đơn hàng nhập khẩu ở các nước mà chúng ta có thế mạnh giảm cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Tuy nhiên từ khoảng tháng 4,5 đến nay, đặc biệt là từ các tháng 6,7 nhất là tháng 8 vừa qua xuất khẩu có khởi sắc, đó là hàng tồn kho ở các nước mà chúng ta có thế mạnh về xuất khẩu đã giảm, thí dụ như là ở Mỹ, 6 tháng đầu năm hàng tồn kho đạt đến 20% nhưng đến tháng 8 chỉ còn có 10% và dự đoán đến cuối năm 2023 tiệm cận về mức 0. Đây cũng là cơ hội cho hàng xuất khẩu của chúng ta.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải
Cơ hội cho những tháng cuối năm
Thời điểm hiện tại cho đến cuối năm, mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực tuy nhiên dự báo bối cảnh kinh tế thế giới cũng còn nhiều diễn biến nhanh, khó lường. Mặc dù đã chững lại, song lạm phát vẫn ở mức cao tại các thị trường. Xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp tiếp tục khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, giá cả nhóm hàng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn duy trì ở mức cao.
Mặc dù vậy, có những kỳ vọng về đơn hàng xuất khẩu phục hồi, các doanh nghiệp Việt Nam có sự chống chịu, có sự linh hoạt, hết sức chủ động trong sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp Việt Nam dần đã phát huy được sự chủ động sáng tạo, tìm kiếm được thị trường mới, khai thác rất tốt các lợi thế từ các FTA.
Về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, Chính phủ, các Bộ, ngành cần tiếp tục hỗ trợ tối đa, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế,... qua đó doanh nghiệp xuất nhập khẩu có động lực duy trì sản xuất kinh doanh, có nguồn vốn nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu theo các đơn hàng mới.
Để xúc tiến xuất khẩu hàng hóa, Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) từ ngày 13-15/9/2023 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được Bộ Công Thương tổ chức nhằm thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.
Viet Nam International Sourcing 2023 thu hút hàng trăm doanh nghiệp uy tín hàng đầu trong nhiều lĩnh vực cùng hàng ngàn sản phẩm chất lượng cao ở các ngành hàng là thế mạnh của Việt Nam.
“Chúng tôi tham gia gian hàng tại Viet Nam International Sourcing để thúc đẩy kết nối giữa kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài. Chúng tôi hy vọng sẽ tìm kiếm và kết nối với các đối tác phân phối, bán lẻ uy tín trên toàn thế giới thông qua sự kiện hôm nay”, đại diện Tập đoàn TH chia sẻ.
Lộc Trời xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. |
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, Vietnam International Sourcing là sự kiện nổi bật giúp kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường quốc tế, mở rộng thị trường. Đối với Lộc Trời, tại sự kiện này sẽ tiếp cận trực tiếp với người mua, tìm hiểu nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng, xác định nhu cầu thực tế của các chuỗi bán lẻ.
“Lộc Trời cũng như các doanh nghiệp khác đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công thương (Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ) trong việc tổ chức Vietnam International Sourcing như là một sáng kiến nhằm giúp các doanh nghiệp kết nối với khách mua quốc tế ngay tại Việt Nam, vừa giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp trong thời điểm kinh tế khó khăn, vừa có thêm cơ hội tự giới thiệu và mở rộng mạng lưới, mở rộng thị trường. Chúng tôi kỳ vọng sẽ thảo luận, ký kết các hợp đồng mua bán lớn với các khách hàng quốc tế cho quý 4/2023 cũng như các năm sau để có thêm chủ động trong việc tổ chức sản xuất quy mô lớn”, đại diện Tập đoàn Lộc Trời kỳ vọng.
Ngoài ra, các đơn vị của Bộ Công thương đã và đang phối hợp các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản, vướng mắc, cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, đặc biệt là các nước mà chúng ta có kim ngạch xuất khẩu lớn cho doanh nghiệp một cách rõ ràng và kịp thời nhất.