Phát biểu tại cuộc họp báo chung của lãnh đạo 3 đảng cầm quyền, Chủ tịch SPD Lars Klingbeil bày tỏ rất hài lòng với kết quả đạt được sau các cuộc đàm phán căng thẳng và kéo dài hơn 30 giờ, trong đó các biện pháp đạt được sẽ giúp cập nhật quy định về bảo vệ khí hậu, củng cố hệ thống đường sắt, đường bộ và năng lượng tái tạo, trong đó phụ phí khí thải đối với xe tải sẽ được thu thêm để trang trải cho các sáng kiến mới.
Chủ tịch FDP kiêm Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner cho biết các cuộc đàm phán diễn ra căng thẳng, song kết quả đạt được rất tốt đẹp, đồng thời cho biết các quyết định được đưa ra không tác động nhiều tới ngân sách của chính phủ.
Chủ tịch đảng Xanh Ricarda Lang thì cho biết phần lớn số tiền từ phụ phí xe tải (80%) sẽ được đầu tư để mở rộng hệ thống đường sắt từ nay tới năm 2027.
Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cho biết liên minh "đèn giao thông" cầm quyền đã giải quyết được những xung đột chính dai dẳng lâu nay giữa 3 đảng để có thể hướng tới những kết quả tốt đẹp cho tương lai nước Đức.
Cuộc đàm phán marathon kéo dài gần như liên tục từ tối 26/3 đến trưa 27/3, sau đó tạm hoãn do Thủ tướng Scholz cùng một số bộ trưởng sang Hà Lan tham dự vòng tham vấn liên chính phủ. Tiếp đó, sáng 28/3, đàm phán được nối lại và tới tối cùng ngày đạt được thỏa thuận giữa 3 bên.
Kết quả cuộc đàm phán được nêu trong thỏa thuận dài 16 trang với tên gọi "Gói hiện đại hóa để bảo vệ khí hậu và đẩy nhanh việc lập kế hoạch".
Về bảo vệ khí hậu, các bên nhất trí sửa đổi luật bảo vệ khí hậu, với mục tiêu đạt trung hòa khí thải vào năm 2045. Chính phủ liên bang đặt mục tiêu phát thải âm trong các năm 2035, 2040 và 2045.
Thay vì xem xét liệu các lĩnh vực riêng lẻ có đạt được mục tiêu về phát thải hay không, việc kiểm soát sẽ được thực hiện trong một bảng cân đối tổng thể liên ngành trong nhiều năm. Từng lĩnh vực sẽ được theo dõi và bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau.
Đây được coi một bước chuyển và khác biệt so với việc cần đạt được mục tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực cần như trước đây. Đối với kế hoạch đẩy nhanh quy trình lập kế hoạch và thủ tục cấp phép, các bên nhất trí đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực đường sắt và đường bộ, đặc biệt là đẩy nhanh việc mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới đường sắt. Đối với các dự án đặc biệt quan trọng, thời hạn tối đa phê duyệt là 4 năm.
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, các địa phương cần tạo nhiều không gian hơn cho việc xây dựng các turbin gió trên đất liền. Hệ thống quang điện sẽ được xây dựng bên cạnh đường cao tốc và đường sắt.
Trong lĩnh vực bảo vệ khí hậu đối với ngành giao thông vận tải, hệ thống đường sắt sẽ nhận được khoản đầu tư trị giá 45 tỷ euro tới năm 2027, được tài trợ một phần từ phụ phí carbon đối với xe tải (200 euro/tấn khí thải CO2 sẽ được áp dụng với xe khai thác thương mại trên 3,5 tấn từ năm 2024).
Mạng lưới đường sắt hiện tại sẽ được số hóa để cho phép vận chuyển nhiều hành khách và hàng hóa hơn. Đến năm 2030, lưu lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt dự kiến chiếm 25% thị phần. Giao thông công cộng, nhất là ở các vùng nông thôn, và đường dành cho xe đạp sẽ được mở rộng.
Việc sản xuất và sử dụng nhiên liệu tổng hợp (nhiên liệu điện tử - efuel) sẽ được khuyến khích và thúc đẩy. Từ năm 2030, chỉ những phương tiện không phát thải mới được phép sử dụng làm xe dịch vụ công cộng, như xe buýt. Để đạt mục tiêu 15 triệu ô-tô điện vào năm 2030, hệ thống cơ sở hạ tầng sạc sẽ được mở rộng.
Trong lĩnh vực sử dụng hiệu quả năng lượng, các đối tác liên minh nhất trí sẽ thông qua luật tiết kiệm năng lượng, giúp giảm mức tiêu thụ để đạt các mục tiêu đề ra.
Đối với thiết bị năng lượng cho các tòa nhà, việc lắp đặt hệ thống sưởi từ năm 2024 được triển khai với các thiết bị sử dụng 65% nguồn năng lượng tái tạo, tức dần loại bỏ các thiết bị sưởi bằng dầu và khí đốt thông thường.
Việc liên minh cầm quyền đạt được thỏa thuận sau những xung đột kéo dài thời gian qua giúp vận hành và đẩy nhanh các chính sách quan trọng mà chính phủ Đức đã đặt ra.
Trước khi đạt thống nhất, 3 đảng cầm quyền vướng phải nhiều bất đồng về nhiều lĩnh vực khác nhau, làm dấy lên những lo ngại về sự bế tắc chính sách tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Sự thiếu tiến bộ và xung đột ngày càng gia tăng giữa FDP và đảng Xanh khiến giới quan sát đặt câu hỏi về việc liệu chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz có thể thúc đẩy chương trình nghị sự đầy tham vọng để hiện đại hóa nền kinh tế hay không.