Đức, EU đạt thỏa thuận quan trọng

Đức và Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã đạt được thỏa thuận về tương lai của ô-tô sử dụng động cơ đốt trong sau năm 2035 nhằm chống biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Đức và EU sẽ đưa ra quy chuẩn mới về khí thải ô-tô trong thời gian tới. Ảnh: THE HILL
Đức và EU sẽ đưa ra quy chuẩn mới về khí thải ô-tô trong thời gian tới. Ảnh: THE HILL

Sử dụng nhiên liệu trung hòa về khí hậu

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Ủy viên phụ trách môi trường EU Frans Timmermans cho biết, EU đã đạt được thỏa thuận với Đức về việc sử dụng nhiên liệu điện tử tổng hợp (efuel) cho ô-tô trong tương lai và sẽ phối hợp đưa ra các quy chuẩn về khí thải đối với xe ô-tô trong thời gian sớm nhất. Cụ thể, hai bên nhất trí vẫn cho phép đăng ký xe mới sử dụng động cơ đốt trong sau năm 2035 với điều kiện các xe này chỉ sử dụng nhiên liệu trung hòa về khí hậu.

Tháng 10/2022, Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ buộc các nhà sản xuất ô-tô đến năm 2030 phải giảm 55% lượng khí thải tạo ra từ các ô-tô mới so mức của năm 2021 và giảm hoàn toàn khí thải vào năm 2035. Thỏa thuận là một phần nỗ lực của khối nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, Đức lại muốn cả những ô-tô mới có động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu efuel có thể được đăng ký sau thời điểm này. Theo lập luận của Berlin, các ô-tô này tuy sử dụng động cơ đốt trong nhưng lại dùng nhiên liệu tổng hợp được sản xuất bằng năng lượng tái tạo và trung hòa về khí hậu.

Do vậy, kế hoạch phê chuẩn của các nước EU đầu tháng 3 vừa qua đã bị trì hoãn do vấp phải sự phản đối của Đức. Nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP) theo đường lối bảo thủ - đảng lớn nhất trong EP, cũng phản đối lệnh cấm. EPP cho rằng, lệnh cấm bán ô-tô động cơ đốt trong sẽ cản trở nỗ lực đổi mới và không giúp làm giảm lượng khí thải. Tuyên bố nhấn mạnh việc cấm động cơ đốt trong sẽ làm tăng giá bán ô-tô mới, mất đi hàng nghìn việc làm và dẫn đến sự suy giảm của ngành công nghiệp cốt lõi của châu Âu.

Bộ Giao thông vận tải Liên bang Đức và EC sau đó đã đàm phán nhằm thỏa hiệp và đạt được thống nhất như trên. Tuy nhiên, nhiều đối tác EU đã phản ứng với hành động của Đức trong vụ việc này. Kế hoạch trên cũng đã dẫn tới những bất đồng trong liên minh cầm quyền ở Đức giữa đảng FDP vốn thân doanh nghiệp và đảng Xanh vốn ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn động cơ đốt trong. Trong khi đó, liên minh bảo thủ đối lập CDU/CSU cũng phản đối mạnh mẽ lệnh cấm xe sử dụng động cơ đốt trong trên toàn EU, cho rằng lệnh cấm sẽ gây thiệt hại cho ngành công nghiệp ô-tô ở Đức.

Điều chỉnh giới hạn khí thải

Theo kế hoạch, các quốc gia thành viên và các nhà lập pháp EU sẽ bắt đầu đàm phán về Dự luật Euro 7 trong năm nay. Đề xuất hướng tới siết chặt giới hạn đối với các chất gây ô nhiễm có hại cho sức khỏe, trong đó có nitơ oxit (N2O). Tuy nhiên, tại cuộc họp tại Strasbourg (Pháp) giữa tháng 3 vừa qua, các Bộ trưởng Giao thông của Đức, CH Czech, Italy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Hungary và Slovakia đã kêu gọi EU điều chỉnh các đề xuất về giới hạn khí thải ô-tô. Nhiều quốc gia EU có lĩnh vực sản xuất ô-tô phát triển đã phản đối những quy định trong đề xuất và coi đây là gánh nặng đối với ngành sản xuất ô-tô.

Theo Bộ trưởng Giao thông CH Czech Martin Kupka, các nước đều tỏ ra do dự trong việc thông qua quy định trong thời gian ngắn, theo đó các đề xuất này sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2025 đối với ô-tô hạng nhẹ. Dự luật đề xuất sẽ có bốn năm trước khi quy định có hiệu lực đầy đủ, cùng với một số điều chỉnh về kỹ thuật, để ngành công nghiệp ô-tô có thời gian chuẩn bị và tăng cường các giải pháp công nghệ.

Một quan chức EU cho biết, tại cuộc họp trên, các bộ trưởng chỉ trích thời hạn còn thiếu tính thực tiễn và các vấn đề với thiết bị để triển khai trong dự luật Euro 7. Nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất ô-tô của châu Âu cũng ủng hộ điều chỉnh dự luật của EU. Ước tính khí thải từ xe cộ chiếm khoảng 25% lượng khí thải của EU. Luật trên nhằm đẩy nhanh việc chuyển đổi sang xe điện của châu Âu để đối phó với biến đổi khí hậu.