Liên kết vùng trong phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long

NDO - Ngày 27/10, tại Hậu Giang, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức hội thảo khoa học cấp bộ với chủ đề: “Liên kết vùng trong phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, có các cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học đến từ các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và một số trường đại học, cơ quan nghiên cứu trong và ngoài khu vực.

Hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ nhiều nội dung quan trọng về liên kết vùng, làm rõ về mặt lý luận một số vấn đề cơ bản về liên kết vùng như khái niệm liên kết vùng, chủ thể của liên kết vùng, nội dung của liên kết vùng, động lực của liên kết vùng, các yếu tố ảnh hưởng đến liên kết vùng, tầm quan trọng và vai trò của liên kết vùng.

Hội thảo cũng đã làm rõ quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về liên kết vùng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Đề cập kinh nghiệm thực tiễn trong liên kết vùng và mô hình liên kết vùng trên thế giới và một số khu vực ở Việt Nam cũng như kinh nghiệm thực tiễn về tăng cường liên kết vùng giữa một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long với Đông Nam Bộ thời gian qua.

Liên kết vùng trong phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2

Đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp trong liên kết vùng.

Nêu rõ ưu điểm, kết quả đạt được trong liên kết vùng ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua, đồng thời chỉ rõ một số vấn đề đang đặt ra trong thực hiện liên kết vùng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, phân tích, đánh giá thực trạng liên kết vùng trên các lĩnh vực, như: Hạ tầng giao thông, nông nghiệp, du lịch... ở đồng bằng sông Cửu Long.

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, hội thảo cũng đã đề xuất hệ giải pháp, nhất là cần có thể chế, cơ chế chính sách, nguồn lực phù hợp, nhất quán trong nhận thức và hành động của các chủ thể các địa phương, nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết vùng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Đề xuất giải pháp nhằm tăng cường liên kết giữa vùng Tây Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như vùng Đông Nam Bộ...

Sau hội thảo, Ban tổ chức sẽ chắt lọc để xây dựng báo cáo kiến nghị gửi các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vùng Tây Nam Bộ, xem đây là “cẩm nang” để tham khảo trong quá trình thực hiện.

Qua đó, nhằm góp phần tăng cường, nâng cao hiệu quả liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.