Tuy nhiên, việc chậm thể chế hóa các chủ trương bằng các quy định, văn bản pháp luật dẫn đến việc triển khai thực hiện các nghị quyết trong thực tế đời sống xã hội chưa được như mong muốn. Bên cạnh đó, các mô hình hợp tác, liên kết đã vận hành thời gian qua như “Cánh đồng mẫu lớn”, “Liên kết bốn nhà”, “Hợp tác theo chuỗi giá trị”... chỉ đạt được kết quả nhất định, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế-xã hội chung của vùng.
Trước đây, nhiều mô hình quản trị và liên kết vùng đã được thiết lập như: Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (giai đoạn 2002-2017); Ban Chỉ đạo Diễn đàn hợp tác Kinh tế đồng bằng sông Cửu Long-MDEC (2007-2017); Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long..., nhưng hầu như chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Một minh chứng sống động cho tình trạng này là việc chia sẻ nguồn tài nguyên cát giữa các tỉnh, thành phố trong nội vùng đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện các dự án đường cao tốc. Cùng khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng nguồn cát sông của mỗi tỉnh, thành phố lại có sự khác biệt rất lớn về trữ lượng. Trong khi các dự án đường cao tốc hiện đang triển khai tại đồng bằng sông Cửu Long như: Mỹ Thuận-Cần Thơ; Cần Thơ-Cà Mau; Sóc Trăng-Cần Thơ-Châu Đốc... lại không đi qua địa phận tất cả các tỉnh, thành phố trong vùng.
Vì thế, mặc dù một số tỉnh được đánh giá có trữ lượng cát sông còn khá lớn, bảo đảm cung ứng đắp nền cho các dự án cao tốc trên, nhưng một số địa phương lại không muốn “chia sẻ”, mà muốn “ôm” riêng. Lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần tổ chức họp, quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về nguồn cát phục vụ xây dựng các tuyến cao tốc tại vùng...
Cơ chế hợp tác chính thức giữa các địa phương trong vùng hiện đang rất cần được hình thành để khai thác tối đa những lợi thế và nguồn lực vốn có.
Câu chuyện cát, một trong rất nhiều nguồn tài nguyên của đồng bằng sông Cửu Long, cho thấy thay vì các địa phương trong vùng cần hỗ trợ, chia sẻ, cùng nhau liên kết khai thác, thì lại cạnh tranh quyết liệt. Các chuyên gia cho rằng, cơ chế hợp tác chính thức giữa các địa phương trong vùng hiện đang rất cần được hình thành để khai thác tối đa những lợi thế và nguồn lực vốn có; tháo gỡ nút thắt về thể chế, quản trị và liên kết vùng để phát triển đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết vùng. Thực tế đòi hỏi cần hoàn thiện thể chế liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi, có chọn lọc lĩnh vực trọng tâm, khâu đột phá.
Để làm được điều này, phải có cơ chế tài chính cho hoạt động liên kết vùng, vì về bản chất, hoạt động này vượt quá khuôn khổ riêng của từng địa phương. Trong bối cảnh 11/13 tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa tự cân đối được nguồn ngân sách thì không thể đóng góp tài chính để ưu tiên các mục tiêu phát triển vùng. Các cam kết hợp tác và liên kết chủ yếu xuất phát từ ý chí chính trị, chứ chưa được bảo đảm bằng nguồn lực tài chính. Vì thế, cần xây dựng cơ chế tài chính sáng tạo; xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển vùng; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với đó, cần một cơ quan đầu mối có thực quyền với cơ chế điều phối có hiệu quả để phối hợp hành động, điều hòa lợi ích, giải quyết xung đột giữa các địa phương và làm cầu nối với Chính phủ. Chỉ khi có “thuyền trưởng” thì mới có thể “cầm lái” cả “con tàu” đồng bằng sông Cửu Long đi đúng hướng, đồng bộ, nhất quán, hiệu quả như mục tiêu và kỳ vọng của Trung ương. Ngược lại, nếu sự liên kết chung chung, thiếu thực tế, thiếu bền vững với tư duy “đèn nhà ai nấy sáng”... vẫn tiếp tục diễn ra thì chỉ tạo thêm lực cản kéo lùi sự phát triển, phồn thịnh của vùng đất Chín Rồng...