Tăng cường liên kết trong phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long

NDO - Chiều 29/11, tại thành phố Cần Thơ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ nội dung của Nghị quyết số 13-NQ/TW và tầm quan trọng, ý nghĩa của Nghị quyết này đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, đánh giá việc nghiên cứu, phổ biến, tuyên truyền nội dung Nghị quyết này.

Các đại biểu trình bày nhiều tham luận đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội vùng. Trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là giải pháp đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện quy hoạch, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng đảm bảo đồng bộ, liên thông với Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022.

Cùng với đó, các cấp, các ngành xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy kết nối và liên kết vùng, đặc biệt là kết nối về hạ tầng, kết nối về thể chế, kết nối về thị trường và doanh nghiệp, kết nối về nguồn nhân lực và tri thức; kết nối về thông tin và dữ liệu không chỉ ở nội vùng, mà còn giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam bộ.

Tăng cường liên kết trong phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo

Để phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW, các địa phương trong vùng đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Các cấp, các ngành có chiến lực quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là đất đai và tài nguyên nước; bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thiên nhiên và văn hóa-lịch sử, văn hóa sông nước; văn hóa các dân tộc.

Các tỉnh, thành trong vùng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương cũng như đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân… trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.