Kết nối metro liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương đều mong muốn tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro, Bến Thành - Suối Tiên) được đầu tư kéo dài, kết nối ba địa phương. Qua đó, phát triển đô thị theo mô hình lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD - Transit Oriented Development). Đặc biệt, sẽ kết nối các khu đô thị vệ tinh, hoàn chỉnh hạ tầng và đưa kinh tế toàn vùng “cất cánh”.
0:00 / 0:00
0:00
Kéo dài tuyến metro số 1 và làm các tuyến metro sau này kết nối với các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía nam sẽ tạo động lực cho cả vùng phát triển mạnh mẽ.
Kéo dài tuyến metro số 1 và làm các tuyến metro sau này kết nối với các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía nam sẽ tạo động lực cho cả vùng phát triển mạnh mẽ.

Nhiều điểm thuận lợi

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thành phố Hồ Chí Minh vừa gửi UBND các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương kiến nghị góp ý để hoàn thành báo cáo kéo dài tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dựa trên kết luận tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo các địa phương hồi tháng 5.

Theo báo cáo phương án đầu tư của Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía nam (TEDI South), việc kéo dài tuyến metro số 1 về Bình Dương và Đồng Nai được chia làm ba đoạn với tổng chiều dài hơn 53 km. Trong đó, đoạn 1 từ ga Bến xe Suối Tiên đến ga Bình Thắng (S0) dài 1,8 km. Tuyến bắt đầu từ sau ga Bến xe Suối Tiên đi dọc theo bên phải Xa lộ Hà Nội vào ga S0, dự kiến đặt trước nút giao Tân Vạn. Ga S0 là ga nối giữa hai hướng tuyến đi Bình Dương và Đồng Nai.

Đoạn 2 từ ga S0 đi Bình Dương dài hơn 31 km, bắt đầu từ ga S0 đi trên cao vượt qua đường tỉnh 742 và tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng, sau đó đi trên cao bên phải chung hành lang với tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng, chuyển tiếp đi chung hành lang bên trái với tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh. Tuyến tiếp tục chạy qua nút giao Bình Chuẩn và đi bên trái dọc theo đường Mỹ Phước - Tân Vạn, sau đó chuyển hướng vào giữa đường DX01 và đường Hùng Vương vào trung tâm hành chính TP Thủ Dầu Một rồi về TP Tân Uyên (Bình Dương).

Đoạn 3 tuyến metro bắt từ ga S0 đi Đồng Nai sẽ có chiều dài hơn 20 km. Từ ga S0, tuyến đi trên cao dọc theo Xa lộ Hà Nội đến trước khu vực nút giao đường Amata thì đi vào giữa quốc lộ 1. Đến khu vực Công viên 30-4, tuyến rẽ phải đi trên cao dọc theo quốc lộ 1, đến khu vực giao cắt giữa đường Thái Hòa (nhà thờ Thái Hòa) thì rẽ trái vào khu vực depot (khu trung tâm điều khiển và bảo dưỡng, sửa chữa) tại xã Hố Nai 3.

Cùng với việc quy hoạch hướng tuyến, đơn vị tư vấn cũng đã quy hoạch xây dựng 25 ga và 2 depot khi thực hiện kéo dài tuyến metro số 1 về các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, địa phương nằm giáp với cửa ngõ phía đông của Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có lưu lượng người dân và phương tiện giao thông đi lại rất lớn. Hơn nữa, trên địa bàn tỉnh có gần 30 khu công nghiệp (KCN), kéo theo lượng người đông đúc đi lại giữa hai địa phương.

Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, khi đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ đường Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ giúp giảm bớt khoảng 30% thời gian lưu thông hàng hóa, rút ngắn khoảng cách từ các nhà máy tới các cảng nước sâu tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trong tương lai sẽ rút ngắn thời gian đi lại của người dân đến Sân bay Long Thành (Đồng Nai). Mặt khác, khi kéo dài tuyến metro số 1 đến Mỹ Phước - Tân Vạn, chi phí giải phóng mặt bằng thấp, giảm được việc di dời các công trình hạ tầng do nằm ở ngoại thành. Đặc biệt, tăng tính kết nối khu vực giữa ba đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, TP Biên Hòa và TP mới Bình Dương.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (MAUR), 8 tuyến metro của thành phố sẽ kết nối với các đô thị vệ tinh trong vùng như Thủ Dầu Một (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai)... Trong khi đó, Đồng Nai đã có sẵn quỹ đất để xây tuyến metro và nhà ga qua KCN Biên Hòa 2.

Cần sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống

Từng có kinh nghiệm tham gia thực hiện mô hình TOD ở các quốc gia khác, TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch hạ tầng đô thị nhận định: “Khi hoàn thành, đưa vào sử dụng một dự án metro là mới đi được một phần tư chặng đường, còn lại là các vấn đề phát triển hệ thống giao thông kết nối, thương mại, thu hút người dân, doanh nghiệp đến sinh sống, sản xuất, kinh doanh... Khi ấy TOD mới mang lại nhiều lợi ích. Nếu hoàn thành tuyến metro số 1, có bộ khung ổn định thì tất cả những tuyến còn lại phát triển theo sẽ rất thuận tiện. Từ đó tạo sức bật cho cả vùng Đông Nam Bộ cũng như góp phần đồng bộ quy hoạch vùng”.

Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021 cũng đã đề cập nội dung metro liên kết vùng. Cụ thể, hệ thống metro kết nối vùng phải có 8 tuyến. Bên cạnh đó, metro kéo dài cũng sẽ được tích hợp với mạng lưới đường sắt quốc gia, nối tới các khu vực ga Bình Triệu, Dĩ An..., các điểm đầu mối giao thông chính như Sân bay Long Thành, ga đầu mối Tân Kiên của tuyến đường sắt cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, khu đô thị lấn biển Cần Giờ, Sân bay Tân Sơn Nhất... Về mặt công nghệ, đoạn nối dài của tuyến metro số 1 đều đi trên cao nên công tác xây dựng không phức tạp như đi ngầm, bảo đảm đồng nhất trong tổ chức chạy tàu, liên thông kết nối...

Theo tính toán của đơn vị tư vấn TEDI South, tổng mức đầu tư của dự án kéo dài tuyến metro số 1 là 86.000 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn đề xuất sử dụng nguồn vốn đầu tư công để thực hiện dự án, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện đoạn 1, Bình Dương chủ trì thực hiện đoạn 2 và Đồng Nai chủ trì thực hiện đoạn 3.

Về nguồn lực tài chính, yêu cầu đặt ra đến năm 2028, Thành phố Hồ Chí Minh phải cơ bản thu xếp được khoảng 25 tỷ USD (số liệu đã được tính toán từ 10 năm trước). Nếu chỉ dựa vào vốn ngân sách hoặc vốn ODA như hiện nay thì hoàn toàn bất khả thi. Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng có thể đa dạng hóa nguồn lực tài chính từ 5 nguồn là ngân sách nhà nước dùng để giải phóng mặt bằng; tổ chức đấu giá quỹ đất theo mô hình TOD; vay vốn trong nước; vay vốn nước ngoài và phát hành trái phiếu.

Tỉnh Đồng Nai đã lên kế hoạch thu hồi 21 khu đất dọc 9 tuyến đường giao thông để đấu giá, dự kiến thu về 42.843 tỷ đồng. Tỉnh sẽ dùng số tiền đấu giá được từ đất để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Tỉnh Bình Dương cũng đã lên phương án đấu giá 36 khu đất với diện tích 17.925 ha dọc đường vành đai 3 và 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… để lấy vốn đầu tư hạ tầng.

Tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 và Tổ chuyên gia tư vấn xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thẳng thắn thừa nhận, đến nay tuyến metro số 1 dài gần 20 km mới chuẩn bị hoàn thành là quá chậm. Nếu tiếp tục triển khai theo cách cũ, để hoàn thành 200 km còn lại cần khoảng 50 - 70 năm nữa, thậm chí 100 năm mới xong. Kết luận 49 của Bộ Chính trị yêu cầu đến năm 2035, Thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị, nghĩa là thời gian chỉ còn 12 năm. Vì thế, Thành phố Hồ Chí Minh phải có cách làm mới, đột phá, hoàn toàn khác với cách làm dự án metro số 1.