Liên hợp quốc cảnh báo chệch mục tiêu kiểm soát mức tăng nhiệt độ

NDO -

Trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26), Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP) cảnh báo về tình trạng các quốc gia đang có kế hoạch sản xuất nhiên liệu hóa thạch với số lượng nhiều hơn gấp đôi mức được cho là phù hợp để hạn chế tăng nhiệt độ Trái đất ở mức 1,5 độ C. 

Khí thải từ một nhà máy thép. (Ảnh Reuters)
Khí thải từ một nhà máy thép. (Ảnh Reuters)

Theo UNEP, các kế hoạch sản xuất nhiên liệu hóa thạch của chính phủ các nước trong thập kỷ này rất không đồng bộ với mục tiêu trên. 

Để hạn chế tình trạng Trái đất nóng lên ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, lượng khí thải sẽ phải giảm gần 50% vào năm 2030 và xuống mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Tuy nhiên báo cáo về chênh lệch trong sản xuất của LHQ lại cho thấy, tổng sản lượng nhiên liệu hóa thạch có khả năng sẽ tăng cho đến ít nhất là năm 2040. 

Theo các kế hoạch, trong thập kỷ này, sản lượng nhiên liệu hóa thạch do các nước sản xuất sẽ bằng 110% của mức phù hợp để giữ mức nhiệt tăng ở 1,5 độ C và bằng 45% mức sản lượng để giữ mức nhiệt tăng không quá 2 độ C. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, việc sử dụng than đá, nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhiều nhất trên thực tế đã gia tăng kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. 

Nhiệt độ Trái đất hiện tăng thêm 1,1 độ C, dẫn đến việc các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015, các quốc gia đã cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất từ 1,5 đến 2 độ C thông qua việc cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.