Tưng bừng Lễ hội Katê 2022 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Bình Thuận

NDO - Ngày 25/10, tại Tháp Pô-Sha-Inư, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), Lễ hội Katê năm 2022 và Công bố Quyết định đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được tổ chức với sự tham gia của đông đảo cộng đồng người Chăm ở các địa phương trong tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn múa hát truyền thống dân tộc Chăm khai mạc Lễ hội Katê 2022.
Biểu diễn múa hát truyền thống dân tộc Chăm khai mạc Lễ hội Katê 2022.

Katê là một lễ hội truyền thống của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn nhằm tưởng nhớ đến các vị thần như Ppo-Klaung-Girai, Ppo-Rome... Lễ hội có quá trình hình thành, tồn tại từ rất lâu đời trong lịch sử và được duy trì đến ngày nay.

Lễ hội Katê là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của người Chăm, phản ánh những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật gắn với sinh hoạt và đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội của cộng đồng. Đây là dịp để người Chăm từ mọi miền đất nước trở về quê hương để cùng đoàn tụ với gia đình, dòng họ, làng xóm, bạn bè.

Tưng bừng Lễ hội Katê 2022 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Bình Thuận ảnh 1

Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận trao Bằng chứng công nhận Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện Hội đồng chức sắc Bà-la-môn giáo tỉnh Bình Thuận.

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn tỉnh Bình Thuận được phục dựng từ năm 2005 tại tháp Pô-Sha-Inư, Di tích cấp quốc gia ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết với đầy đủ các nghi thức và các giá trị văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc vốn có trong lịch sử, mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Chăm. Lễ hội được tổ chức hằng năm vào khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7 (Chăm lịch) trong một không gian lớn từ các đền, tháp đến làng, dòng họ và cuối cùng là gia đình.

Tưng bừng Lễ hội Katê 2022 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Bình Thuận ảnh 2

Thiếu nữ Chăm biểu diễn điệu múa truyền thống của dân tộc tại Lễ hội.

Trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Lễ hội không tổ chức phần hội trên tháp Pô-Sha-Inư mà chỉ tiến hành các nghi thức cúng lễ truyền thống tại tháp, do các chức sắc tôn giáo Bà-la-môn thực hiện.

Năm nay, Lễ hội Katê được tổ chức đầy đủ cả phần Lễ và Hội; đồng thời, với việc Công bố Quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL ngày 4/4/2022 của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tưng bừng Lễ hội Katê 2022 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Bình Thuận ảnh 3

Thiếu nữ Chăm rước Thôn la lên Tháp chính.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh chia vui với chính quyền các địa phương cùng đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn trong tỉnh đã có nhiều tâm huyết và công sức trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Katê qua bao đời nay để hôm nay vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tưng bừng Lễ hội Katê 2022 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Bình Thuận ảnh 4

Thanh niên Chăm thỉnh và rước Y trang nữ Thần Pô-Sha-Inư lên tháp chính.

Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu Ủy ban nhân dân các địa phương có đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn sinh sống quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để duy trì, phát huy các giá trị của lễ hội; khuyến khích việc hướng dẫn, phổ biến rộng rãi về nội dung, ý nghĩa và giá trị của lễ hội trong cộng đồng; chú trọng gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn phần lễ trong lễ hội; duy trì tổ chức phần hội trong lễ hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi, trò diễn dân gian, trình diễn nghề thủ công truyền thống... phù hợp với điều kiện, đặc thù và truyền thống văn hóa của địa phương.

Tưng bừng Lễ hội Katê 2022 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Bình Thuận ảnh 5
Đoàn thỉnh và rước Y trang nữ Thần Pô-Sha-Inư lên tháp chính.

Sư Cả Thường Xuân Hữu, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bà-la-môn giáo tỉnh Bình Thuận, bày tỏ cảm xúc: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm phục dựng Lễ hội Katê của đồng bào Chăm tỉnh Bình Thuận, đặc biệt với việc Lễ hội được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi vì giúp cộng đồng người Chăm chúng tôi giữ gìn được phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của mình; đồng thời góp phần nâng cao đời sống kinh tế cũng như văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm nói riêng cũng như của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh nói chung”.

Tưng bừng Lễ hội Katê 2022 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Bình Thuận ảnh 6

Thiếu nữ Chăm biểu diễn múa truyền thống dưới chân tháp Pô-Sha-Inư.

Lễ hội Katê 2022 được tổ chức với các nghi thức theo trình tự thời gian, tục lệ truyền thống của người Chăm: Lễ thỉnh và rước y trang nữ Thần Pô-Sha-Inư lên tháp chính;lễ mở cửa đền, tháp; lễ tắm bệ thờ Linga-Yoni; lễ mặc y phục cho tượng thần; đại lễ Katê trước tháp chính.

Phần Hội với các hình thức diễn xướng dân gian như dân ca, dân vũ; trình diễn nhạc cụ truyền thống trống Paranưng, Ginăng, kèn Saranai; biểu diễn nghề làm gốm, dệt thổ cẩm...

Tưng bừng Lễ hội Katê 2022 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Bình Thuận ảnh 7
Tiếng kèn Saranai mùa Lễ hội Katê cất lên dưới chân tháp Pô-Sha-Inư.

Đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế đã đến tham dự và hòa cùng vào không khí Lễ hội của cộng đồng người Chăm.

Tưng bừng Lễ hội Katê 2022 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Bình Thuận ảnh 8
Sư Cả Thông Minh Toàn ở xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) thực hiện nghi thức mở cửa tháp chính Pô-Sha-Inư để thực hiện các nghi thức cúng lễ.

Dịp này, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận; các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh đã đi thăm, tặng quà chúc đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở các địa phương trong tỉnh.

Tưng bừng Lễ hội Katê 2022 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Bình Thuận ảnh 9
Nghệ nhân trình diễn nghề làm gốm Chăm truyền thống tại Lễ hội.