LHQ kêu gọi sử dụng thiết bị làm mát thân thiện môi trường

NDO -

Ngày 17-7, Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi tất cả các nước chuyển sang sử dụng máy điều hòa tiết kiệm năng lượng và thân thiện với khí hậu trong nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu.

Máy điều hòa không khí ở Mỹ thải ra khoảng 100 tấn carbon dioxide vào không khí mỗi năm và các chuyên gia cảnh báo "về cơ bản, chúng ta đang tự đốt nóng mình". Ảnh: Getty Images.
Máy điều hòa không khí ở Mỹ thải ra khoảng 100 tấn carbon dioxide vào không khí mỗi năm và các chuyên gia cảnh báo "về cơ bản, chúng ta đang tự đốt nóng mình". Ảnh: Getty Images.

Theo Báo cáo tổng hợp chính sách về phát thải từ thiết bị làm mát không khí của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), hành động phối hợp quốc tế này sẽ giúp cắt giảm 460 tỷ tấn khí nhà kính trên toàn thế giới trong 40 năm, tức là 8 năm phát thải dựa trên mức năm 2018.

Báo cáo cho biết, các quốc gia có thể thể chế hóa hành động bằng cách tích hợp chúng vào việc thực hiện bản Sửa đổi, bổ sung Kigali về loại trừ các chất HFC trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone. Các bên ký kết bản sửa đổi, bổ sung Kigali đã đồng ý giảm sản xuất và sử dụng các loại khí lạnh làm khí hậu nóng lên được gọi là hydrofluorocarbons (HFC). Với động thái này, thế giới có khả năng tránh được nóng lên toàn cầu 0,4 °C.

Các quốc gia phải giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này xuống 1,5 °C. Điều này là rất quan trọng để giảm thiểu tác động tai hại của biến đổi khí hậu. 

Khi các quốc gia đầu tư vào phục hồi sau đại dịch Covid-19 , họ có cơ hội sử dụng tài nguyên của mình một cách khôn khéo để giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo vệ thiên nhiên và giảm thiểu rủi ro của đại dịch. Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành UNEP cho biết, làm mát hiệu quả, thân thiện với khí hậu có thể giúp đạt được tất cả các mục tiêu này.

LHQ kêu gọi sử dụng thiết bị làm mát thân thiện môi trường -0
Hệ thống làm mát tiết kiệm năng lượng không chỉ giảm khí độc hại trong khí quyển, mà theo LHQ, các quốc gia sẽ tiết kiệm 2,9 nghìn tỷ USD vào năm 2050 vì công nghệ này sẽ giảm chi phí điện. Ảnh: Getty Images.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm mát để duy trì các cộng đồng lành mạnh; bảo quản vaccine và thực phẩm; cung cấp năng lượng ổn định, và sản xuất phát triển kinh tế. Nhất là trong thời gian giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, mọi người buộc phải ở nhà trong thời gian dài và sử dụng điều hòa ở nhiều quốc gia có nhiệt độ nóng.

Tuy nhiên, nhu cầu làm mát ngày càng tăng đang góp phần đáng kể vào biến đổi khí hậu. Đây là hậu quả của sự phát thải HFC, CO2 và carbon đen từ năng lượng chủ yếu dựa trên nhiên liệu hóa thạch cung cấp năng lượng cho máy điều hòa không khí và các thiết bị làm mát khác.

Chuyên gia Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA cho biết, khi các chính phủ triển khai các gói kích thích kinh tế lớn để đối phó với các tác động kinh tế và xã hội của cuộc khủng hoảng Covid-19, họ đang có cơ hội để đẩy nhanh tiến độ trong việc làm mát hiệu quả, thân thiện với khí hậu. Bằng cách cải thiện hiệu quả làm mát, các quốc gia có thể giảm nhu cầu về các nhà máy điện mới, cắt giảm khí thải và tiết kiệm tiền của người tiêu dùng. Báo cáo mới này cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những hiểu biết có giá trị để giúp họ giải quyết thách thức làm mát toàn cầu.

Khi nhu cầu làm mát tăng lên cùng với nhiệt độ tăng trên toàn cầu, các thiết bị thân thiện với khí hậu, tiết kiệm năng lượng là rất quan trọng để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Theo thống kê, hiện có 3,6 tỷ thiết bị đang sử dụng hiện nay, đến năm 2050, sẽ có khoảng 14 tỷ máy điều hòa trên toàn thế giới.

IEA ước tính rằng việc tăng gấp đôi hiệu suất năng lượng của điều hòa không khí vào năm 2050 sẽ giúp giảm 1.300 gigawatt công suất phát điện, tương đương với tất cả công suất phát điện đốt than ở Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 2018. Trên toàn thế giới, tăng gấp đôi hiệu quả năng lượng của máy điều hòa không khí có thể tiết kiệm tới 2,9 nghìn tỷ USD vào năm 2050 trong việc giảm chi phí sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Hành động này còn mang lại nhiều lợi ích khác, chẳng hạn như tăng khả năng tiếp cận làm mát tiết kiệm, cải thiện chất lượng không khí, giảm thất thoát thực phẩm và giảm chất thải, báo cáo cho biết.

Đây không phải là lần đầu tiên các chuyên gia kêu gọi thiết kế lại hệ thống làm mát. Vào những năm 1980, các nhà khoa học đã phát hiện ra chlorofluorocarbons (CFC), hóa chất cũng được sử dụng trong tủ lạnh và bình xịt aerosol, làm suy giảm tầng ozone.

Đổi lại, chính phủ các nước trên toàn thế giới đã cùng nhau thông qua hiệp ước có tên là Nghị định thư Montreal, cấm sử dụng các hóa chất độc hại.

Đầu thập niên 1990, môi chất làm lạnh hydrofluorocarbon (HFC) được tìm ra với hy vọng thay thế các môi chất lạnh bị cấm như CFC. Tuy không gây suy giảm ozone, nhưng các môi chất loại HFC được phát hiện gây ra hiện tượng nhà kính, làm tăng nhiệt độ trái đất.

Năm 2019, các chính phủ đã triển khai bản Sửa đổi, bổ sung Kigali cho hiệp ước ban đầu để bắt đầu loại bỏ HFC.

Tính đến tuần này, 100 quốc gia đã phê chuẩn bản sửa đổi. Tuy nhiên, 95 quốc gia vẫn chưa ký, trong đó có các nước phát thải lớn nhất như Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc.