Lên phương án cứu nạn hai tàu mắc cạn tại vùng biển Dung Quất

NDO -

Trong quá trình neo đậu tránh trú bão số 6 tại vùng biển Dung Quất, hai tàu vận tải đã bị trôi dạt và mắc cạn trong nhiều ngày qua tại bãi biển Khe Hai (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn), thuộc vùng nước cảng biển Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện, đơn vị vận hành tàu vận tải đang phối hợp ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi lập phương án trục vớt.

Tàu Việt Thuận 09 mắc cạn, tấp sát bờ biển Khe Hai, xã Bình Thạnh, thuộc vùng biển cảng Dung Quất.
Tàu Việt Thuận 09 mắc cạn, tấp sát bờ biển Khe Hai, xã Bình Thạnh, thuộc vùng biển cảng Dung Quất.

Sau nhiều ngày bị sóng lớn đánh trôi dạt, hiện tàu vận tải Việt Thuận 09 mắc cạn khu vực biển Khe Hai (tọa độ 15.23.37 - 108.45.07). Tàu tấp sát bờ biển, cách khu dân cư khoảng 300 m. Tàu Việt Thuận 09 với có 11 thuyền viên, trọng tải gần 5.400 tấn chuyên chở hàng khô, container. Khi đang hành trình từ tỉnh Trà Vinh đi Quảng Ninh, tránh trú bão tại cảng Dung Quất thì bị sóng đánh.

Cách tàu Việt Thuận khoảng 1km, tàu VTB 168 có 12 thuyền viên, hành trình từ An Giang đến cảng Dung Quất nhận hàng và đang neo đậu tại cảng Dung Quất, cũng bị sóng đánh trôi dạt, mắc cạn tọa độ 15.24.36-108.43.42. Tàu VTB 168 có trọng tải 4.400 tấn, tàu chở hàng tổng hợp.

Hiện, các tàu đang trữ 25 tấn dầu diezel, 28,5 tấn dầu DO và 2,5 tấn dầu FO. Khu vực biển tàu mắc cạn chưa phát hiện đá ngầm nên chưa gây ảnh hưởng tàu vận tải. Tuy nhiên, nếu tình trạng mắc cạn, dạt bờ kéo dài, tiếp tục trôi dạt sâu vào khu dân cư nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn.

“Chúng tôi đã làm việc với chủ tàu và kiểm tra hiện trạng tàu tại khu vực mắc cạn để theo dõi thường xuyên tình trạng tàu. Nếu phát hiện đá ngầm có thể ảnh hưởng tàu phải ứng phó kịp thời, không để xảy ra tràn dầu gây ô nhiễm”, Đại uý Đỗ Bảo Châu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất nói.

Ông Lê Văn Lương, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi cho biết, hiện đơn vị quản lý, vận hành tàu đang phối hợp đơn vị bảo hiểm lên phương án cứu nạn, đưa tàu ra khỏi khu vực cạn. Trong khi chờ cứu nạn, thuyền trưởng và các thuyền viên phải áp dụng các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ có thể xảy ra ô nhiễm như tràn dầu, chất thải từ hệ thống vận hành.

“Chúng tôi đã phối hợp chủ tàu khẩn trương hoàn thành phương án hạn chế tổn thất cho phương tiện, tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng hoạt động hàng hải chung ở khu vực này”, ông Lê Văn Lương cho biết.