Lễ mừng lúa mới của đồng bào Mạ

Trong đời sống của người Mạ ở Đắk Nông có rất nhiều nghi lễ quan trọng gắn với tín ngưỡng đa thần như: Lễ cúng bến nước, lễ sum họp cộng đồng, lễ cúng thần rừng…; trong đó, lễ mừng lúa mới là nghi lễ quan trọng nhất trong lao động sản xuất từ xa xưa của người Mạ.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ mừng lúa mới của người Mạ, ở bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Lễ mừng lúa mới của người Mạ, ở bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.

Đây cũng là dịp để dân làng tỏ lòng thành kính với các vị thần, nhất là thần hồn lúa đã ban cho bông lúa tốt tươi, không bị thú rừng phá hoại và cho dân làng có vụ mùa mới gieo trồng thuận lợi, hoa màu tốt tươi; qua đó, gắn kết thêm tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng người Mạ.

Lễ mừng lúa mới thường được tổ chức sau khi lúa đã thu hoạch xong trên nương rẫy và được cất vào kho, nhằm cầu mong hồn lúa, thần linh che chở và phù hộ cho lúa tốt, được mùa, dân làng ấm no, hạnh phúc.

Theo truyền thống của người Mạ trước đây, lễ mừng lúa mới chỉ diễn ra trong gia đình, dòng họ; nhưng theo thời gian, đến nay đã trở thành lễ hội chung của bon làng. Nghi lễ được tổ chức lớn hay nhỏ tùy thuộc vào kinh tế gia đình, số lượng lúa thu hoạch được nhiều hay ít.

Khi lúa được thu hoạch xong, già làng sẽ phân công nhiệm vụ cho các hộ gia đình trong bon, đồng thời thông báo về thời gian, địa điểm tổ chức và các lễ vật cần thiết để tổ chức lễ mừng lúa mới. Địa điểm để tổ chức nghi lễ thường được chọn tại nhà già làng hoặc nhà văn hóa cộng đồng của bon.

Sau khi đã chọn được ngày tốt để thực hiện nghi lễ, từ sáng sớm, người già, thanh niên trai tráng trong bon mỗi người một việc, tất bật chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho buổi lễ.

Các cô gái thì chuẩn bị các bộ trang phục thật đẹp để dự lễ và trang trí, dọn dẹp nhà cửa, cổng bon, lo phần bếp núc để bày tiệc đón khách. Các chàng trai thì vào rừng chọn chặt ống lồ ô ưng ý để nấu cơm lam, canh thụt, bắt cá suối, giết lợn để làm lễ và chế biến các món ngon đãi khách…

Thông thường, vật phẩm để thực hiện cúng trong nghi lễ gồm một con heo, một con gà, gạo nếp, một ché rượu cần, một gùi bông lúa chín.

Sau khi cắt tiết gà trống hiến sinh, già làng lấy tiết bôi lên cây nêu và các vật chung quanh rồi mới tiến hành khấn cúng gọi hồn lúa, các thần linh, với đại ý:

“Hỡi thần linh! Bon làng người Mạ sống không thể thiếu các thần. Thần lúa, thần đất, thần nước, thần núi... đã đem đến những may mắn trong vụ mùa vừa qua, cho thóc, lúa đầy kho để cuộc sống ấm no. Năm nay, già kính nhờ thần linh tiếp tục phù hộ dân làng thu được nhiều lúa hơn năm trước, mọi người khỏe mạnh, không ốm đau, bệnh tật; gia súc đầy đàn; lúa, bắp tốt tươi nhiều bông, nhiều trái…”.

Sau phần nghi lễ này, già làng còn dâng thần linh một con lợn, các loại nông sản thu hoạch được trong quá trình lao động sản xuất và một ché rượu cần lớn. Khi đã tế lễ xong, già làng mời khách và người dân trong bon mỗi người ăn một nắm cơm, một miếng thịt nướng để chúc mừng sức khỏe và cảm ơn thần linh đã về chứng giám, ban cho buổi lễ thành công.

Sau đó mọi người bắt đầu chuyền tay nhau uống rượu cần theo thứ tự già, trẻ, nam, nữ; cùng tấu lên những nhịp chiêng rộn rã; cùng điệu múa uyển chuyển ăn mừng một vụ mùa bội thu…