Công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là một bản hùng ca về trí tuệ của con người Việt Nam, là tấm gương sáng ngời về tinh thần lao động hăng say, dũng cảm, sáng tạo "dời núi lấp sông" bền bỉ vượt lên mọi khó khăn, thách thức, là niềm tự hào của cả nước.
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển với sự kiện chuyển dân lòng hồ sông Đà, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Lường Văn Thi chia sẻ, sau giai đoạn tập trung, nỗ lực vượt khó hoàn thành nhiệm vụ chuyển dân lòng hồ sông Đà. Đà Bắc bước vào giai đoạn tái thiết với muôn vàn khó khăn nhưng với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và người dân các dân tộc huyện Đà Bắc đã quyết tâm đưa địa phương từng bước phát triển ổn định.
Trong đó, huyện tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng xã, địa phương, nhất là vùng chuyển dân lòng hồ. Nhờ đó, bộ mặt kinh tế, xã hội của địa phương đã từng bước phát triển ổn định, đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 7,14%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Việc chuyển dân phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà được xem như một cuộc chuyển dân lớn nhất trong lịch sử đất nước sau chiến tranh, được xác định là một nhiệm vụ đặc biệt, cực kỳ quan trọng phục vụ cho kế hoạch ngăn sông Đà (đợt 1 năm 1983, đợt 2 năm 1986 và phát điện tổ máy số 1 năm 1987). Thời điểm đó, huyện Đà Bắc có 23 xã thì có 18 xã nằm ở ven 2 bờ sông Đà, trong đó, có 7 xã phải di chuyển toàn bộ ra khỏi khu vực lòng hồ.
Với tinh thần tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, cả huyện Đà Bắc giống như một công trường. Từ năm 1982-1986, huyện Đà Bắc đã hoàn thành việc di chuyển 2.365 hộ dân với 12.397 nhân khẩu, 3.700 ngôi mộ cùng hàng vạn mét vuông nhà ở của nhân dân tại 60 bản, làng thuộc 18/23 xã.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho chính quyền và nhân dân huyện Đà Bắc.