Lễ hội Chùa Hương Xuân Quý Mão: “Bình mới, rượu cũ”

NDO - Mặc dù Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương Xuân Quý Mão năm 2023 đã đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến mới, nhưng tình trạng cò mồi, chèo kéo khách và không ít vấn đề đáng lo ngại, thiếu tính đồng bộ vẫn diễn ra hằng ngày tại quần thể văn hóa-tôn giáo lớn bậc nhất cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Thịt động vật đủ loại vẫn được bày bán khắp nơi tại chùa Hương, dù được các chủ quán giải thích là thú nuôi nhưng lại kèm lời “rỉ tai” sẵn sàng phục vụ “thịt rừng chuẩn”.
Thịt động vật đủ loại vẫn được bày bán khắp nơi tại chùa Hương, dù được các chủ quán giải thích là thú nuôi nhưng lại kèm lời “rỉ tai” sẵn sàng phục vụ “thịt rừng chuẩn”.

Có mặt tại khu di tích thắng cảnh Chùa Hương những ngày này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi cho dù đã được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều lần, thậm chí Ban Tổ chức lễ hội Chùa Hương khẳng định bảo đảm quyền lợi của khách thập phương, nhưng trật tự an ninh xã hội và các quy định tham quan tại đây vẫn bị vi phạm rất thường xuyên.

Mới, nhưng không đồng bộ

Nếu có dịp đến với Lễ hội Chùa Hương Xuân Quý Mão năm 2023, bất cứ vị khách du lịch nào cũng có thể dễ dàng nhận ra sự hiện diện của lực lượng “cò mồi”. Ngay từ đoạn đường cách khu danh thắng khoảng 4-5km, đã có những người chờ sẵn để đón khách trên xe gắn máy.

Lễ hội Chùa Hương Xuân Quý Mão: “Bình mới, rượu cũ” ảnh 1

Vé gửi phương tiện chỉ là tờ giấy không có thông tin rõ ràng.

Những “cò mồi” này tự giới thiệu là “lái đò lâu năm”, có thể đưa khách lên đò mà không cần xếp hàng mua vé đi đò cũng như vé tham quan, được thoải mái chọn số lượng người đi đò, đi cáp treo không phải chờ đợi... hay nói cách khác là cung cấp dịch vụ “trọn gói”, phục vụ khách như những “thượng đế” thực thụ.

Lần đầu tiên đến với Lễ hội Chùa Hương, phần vì lạ lẫm, phần do băn khoăn với những thay đổi lần đầu được Ban Tổ chức triển khai và cánh “cò” đeo bám rất quyết liệt, cho nên dù khá thận trọng nhưng chúng tôi đành phải đồng ý với những lời mời gọi hấp dẫn trên.

Thế nhưng, mọi việc chỉ bắt đầu trở nên phức tạp sau khi chúng tôi theo chân “cò” vào đến bến đò Yến Vỹ - nơi bắt đầu những chuyến hành hương trên suối Yến. Tại đây, chúng tôi mới được biết rằng, khách thập phương phải mua vé ở gần khu vực bãi trông giữ ô-tô, cách bến khoảng vài km.

Theo quan sát của chúng tôi và cả ý kiến của một số người dân địa phương, quả thật quầy bán vé đã bị bãi trông giữ ô-tô và bến xe điện mới được dựng lên che khuất.

Lễ hội Chùa Hương Xuân Quý Mão: “Bình mới, rượu cũ” ảnh 2

“Bến đò” mà “cò” dẫn chúng tôi vào: một bãi đất ven suối Yến với rác thải, phế liệu chất bừa bãi ngay cạnh hàng trăm chiếc thuyền đỗ lộn xộn.

Trong khi đó, dù tìm “đỏ mắt”, chúng tôi vẫn không thấy bất cứ tấm bảng, biển chỉ dẫn nào hướng đến quầy vé. Ngoài ra, bãi đỗ cũng chỉ cho phép ô-tô vào gửi, nói cách khác là khách di chuyển bằng xe gắn máy chỉ còn biết loay hoay rồi buộc phải đi theo sự chỉ dẫn “có điều kiện” của “cò”.

Tại khu vực bến Yến Vỹ, “anh cò” dẫn chúng tôi vào nơi để xe máy mà thực chất là nhà dân làm dịch vụ, tự ghi và đưa chúng tôi một tấm vé chẳng có thông tin gì ngoài chữ ký nguệch ngoạc. Khi chúng tôi hỏi giá trông giữ xe, người này nhất quyết không trả lời cụ thể mà chỉ nói qua loa rằng “lát nữa vãn cảnh xong xuôi rồi trả tiền cũng không muộn”.

Đến đây, chúng tôi ngầm hiểu rằng mọi thứ đã được sắp đặt kỹ lưỡng, khách du lịch đã nhận lời sẽ rơi vào “chuỗi dịch vụ khép kín” của một hệ thống chuyên nghiệp.

Lễ hội Chùa Hương Xuân Quý Mão: “Bình mới, rượu cũ” ảnh 3

Tại khu vực đền Trình (đoạn đầu suối Yến), các loại động vật phóng sinh bày bán lộn xộn ngay cạnh biển cấm.

Bát nháo trên suối Yến

Xử lý xong xuôi phương tiện của khách, “cò” bắt đầu giới thiệu về các loại hình dịch vụ, mà chủ yếu tập trung vào giá chèo đò. Trong khi giá tham quan và đò được niêm yết chính thức chỉ là 130 nghìn đồng/người, thì người này thản nhiên ra giá 800 nghìn/đò với khoảng 7-8 chỗ ngồi, không quên “quảng cáo” về những “tiện ích” như không phải ghép đò, không cần chờ đợi lên đò hay xếp hàng mua vé...

Khi chúng tôi thắc mắc về giá quá cao so niêm yết, “cò” không ngần ngại giới thiệu quy định mới về dạng vé mới với mã QR có thời hạn mà Ban Tổ chức mới triển khai.

“Mọi năm, em toàn mua cả tập vé sẵn rất đơn giản. Nhưng giờ khó khăn hơn, chúng em phải xếp hàng mua hộ các anh chị, mà chỉ dám mua dè sẻn từng ít một vì sợ hết hạn mà chưa có khách. Các anh chị cứ coi như hoan hỷ đầu năm”, anh này nói.

Lễ hội Chùa Hương Xuân Quý Mão: “Bình mới, rượu cũ” ảnh 4

Loa kéo cho thuê xuất hiện trên cả mặt đất và mặt nước, khiến bầu không khí trở nên huyên náo với đủ thể loại nhạc trộn lẫn.

Tuy nhiên, dù đã dặn lòng “hoan hỷ”, chúng tôi vẫn mất khá nhiều thời gian mới có thể ngã giá chuyến đò khứ hồi cho 3 người với giá 600 nghìn. Bởi theo “cò”, dù khách đi ít người thì “vẫn phải mất công chèo cả chuyến đò với 8-10 chỗ ngồi”. Xong xuôi công đoạn trên, chúng tôi được dẫn đi theo một con đường quanh co, nằm khuất cạnh bờ sông với cây cối mọc kín để lên đò.

Sự thảnh thơi, tĩnh lặng trên chuyến đò có thể nói là “ngắn chẳng tày gang”. Chỉ mới đi được vài chục mét nước, hàng loạt âm thanh chát chúa bỗng đập vào tai chúng tôi từ những con đò kế bên. Người thì nỉ non nhạc “vàng”, nhóm lại chuộng giai điệu xập xình của nhạc “sàn”, thậm chí có cả những ca khúc với lời lẽ phản cảm, không đúng thuần phong mỹ tục.

Chị Bình, lái đò của chúng tôi giải thích, đây là “điểm mới” tự phát trong thời gian gần đây.

Lễ hội Chùa Hương Xuân Quý Mão: “Bình mới, rượu cũ” ảnh 5

Loa kéo cho thuê xuất hiện trên cả mặt đất và mặt nước, khiến bầu không khí trở nên huyên náo với đủ thể loại nhạc trộn lẫn.

Không chỉ có các nhà đò, mà mỗi lái đò tùy theo điều kiện cá nhân đều cố gắng tự sắm sửa thiết bị để phục vụ khách du lịch. Nhà nhà cho thuê, người người treo biển, nên dần dần suối Yến trở thành tụ điểm karaoke di động lớn nhất khu vực.

Bi hài nhất là khi Ban Tổ chức triển khai những chiếc thuyền biểu diễn văn nghệ truyền thống trên suối Yến, thì tiếng hát của các nghệ nhân cũng chẳng thể nào “chọi” lại loạt loa kéo công suất lớn kia.

Câu chuyện về “rác âm thanh” còn chưa khép lại, chúng tôi lại tiếp tục có dịp bất ngờ với những chiếc xuồng, đò máy chạy vèo vèo lướt qua, tạo nhiều cơn sóng gây khó khăn cho đò chèo tay. Trước vẻ mặt ngạc nhiên của chúng tôi, chị lái đò vừa cố gắng giữ thăng bằng, vừa tiếp tục từ tốn cắt nghĩa: “Thực ra, dù lâu nay có quy định cấm chạy xuồng, đò máy, nhưng phương tiện của Ban Tổ chức thì vẫn được phép sử dụng”.

Lễ hội Chùa Hương Xuân Quý Mão: “Bình mới, rượu cũ” ảnh 6

Dù đã có quy định không sử dụng xuồng, đò máy, nhưng những phương tiện này vẫn chạy với tần suất dày đặc trên suối Yến.

Trước lý lẽ trên, tôi tiếp tục thắc mắc rằng tại sao phương tiện của Ban Tổ chức lại có thể nhiều như vậy, và chỉ rất hiếm hoi mới thấy dòng chữ “Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương” trên thân xuồng, còn lại toàn là tên công ty hoặc để trống, những người ngồi trên hầu hết cũng mang đồ du lịch và mua vé tham quan... thì chị lái đò chỉ mỉm cười.

Những câu chuyện lạ kỳ về bất cập tại Lễ hội Chùa Hương chưa dừng lại ở đó. Thực tế, “cò” không chỉ xuất hiện trên cung đường xuống bến đò đầu tiên, mà còn hoành hành ngang nhiên trên các điểm tham quan với chiêu bài chèo kéo khách vào sử dụng các dịch vụ nghỉ chân, ăn uống...

Đáng chú ý, dù không trưng biển nhưng rất nhiều chủ quán ăn vẫn khẳng định với khách thập phương rằng “các món thịt thú rừng tự nhiên không thiếu”. Trong khi đó, khách du lịch đến với Lễ hội lần đầu, sau khi đến bến Thiên Trù (bến đò cuối trên suối Yến) vẫn không thể nào tìm được bất cứ tấm bảng, biển chỉ dẫn mua vé cáp treo hay tấm bản đồ hướng dẫn chi tiết khu thắng cảnh Tùng Lâm Hương Tích.