Lễ hỏi chồng của người Ê Đê

Dân tộc Ê Đê mang đậm chế độ mẫu hệ, cho nên người con gái có vai trò đặc biệt trong gia đình, trong đó quyền cưới chồng là một trong những quyền quan trọng. Đây là nét văn hóa truyền thống thể hiện rõ chế độ mẫu hệ trong hôn nhân của dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng.
0:00 / 0:00
0:00
Cô dâu Ê Đê và đoàn rước rể trên đường từ nhà gái sang nhà trai.
Cô dâu Ê Đê và đoàn rước rể trên đường từ nhà gái sang nhà trai.

Già Ama H’loan ở buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: Bao đời nay, người Ê Đê quan niệm khi sinh con ra, công sinh thành nuôi dưỡng, mang nặng, đẻ đau là công của người mẹ. Con cái sinh ra phải mang họ của người mẹ, trong hôn nhân người con gái phải đi hỏi cưới chồng.

Lễ hỏi chồng của người con gái Ê Đê gồm bốn lễ: Lễ hỏi (lễ đưa vòng), lễ thỏa thuận thủ tục “Gửi dâu”, lễ rước rể và lễ đón rể vào nhà.

Khi đã “ưng cái bụng” chàng trai nào, cô gái nhờ ông mai là người cậu ruột hoặc người lớn tuổi trong dòng họ nhà gái có uy tín và chuẩn bị một ché rượu, một vòng đồng để ông mai mang đến nhà trai hỏi, gọi là lễ hỏi chồng; trong lễ này, cô gái không được đi cùng. Lúc này, nhà trai sẽ họp bàn rồi cử một người cao tuổi có uy tín cầm chiếc vòng đồng do ông mai của nhà gái đưa sang hỏi ý kiến chàng trai, nếu nhận lời, chàng trai sẽ cầm chiếc vòng đồng. Đại diện hai họ làm lễ trao vòng, sau đó, nhà trai mở tiệc thết đãi ông mai và gia đình nhà gái.

Tiếp đó, đại diện nhà gái dẫn cháu gái đến thỏa thuận về thủ tục “gửi dâu” ở nhà trai. Đây là thời gian nhà trai thử thách lòng chung thủy, nết na, chịu thương của người con gái, thời gian từ 1-2 tháng hoặc lâu hơn tùy thuộc vào nhà trai. Để làm thủ tục lễ gửi dâu, lễ vật mà nhà gái đưa sang nhà trai gồm có 1 con gà, 1 nắm xôi gói trong lá chuối và 1 ché rượu. Cùng với đó, nhà trai sẽ thách cưới.

Sau thời gian gửi dâu, nếu người con trai không đồng ý thì nhà trai làm một lễ nhỏ mời nhà gái đến dự để từ chối và tỏ lòng tôn trọng nhưng vẫn duy trì sự hòa thuận với nhau. Nếu nhà trai chấp thuận cô gái, thì sẽ đồng ý cho nhà gái được làm lễ rước rể. Lúc này, ở bên nhà trai sẽ làm lễ tiễn con bằng một ché rượu và một con heo. Nhà gái tổ chức rước chàng rể về nhà mình. Lễ vật mang sang nhà trai để làm lễ rước rể về bắt buộc phải có vòng đồng, ché rượu cần, gói xôi, con gà trống. Đoàn rước rể trên đường đi về nhà gái, vừa đi vừa múa hát, các thanh niên trai gái sẽ té nước vào người chú rể với quan niệm rằng, chú rể nào được té nước càng nhiều, càng ướt thì hạnh phúc càng lớn, làm ăn càng giàu sang và đẻ được nhiều con gái.

Khi nhà gái lo đủ lễ vật thách cưới của nhà trai thì được tổ chức hôn lễ. Sau khi thỏa thuận xong, nhà gái sẽ thông báo cho buôn làng việc tổ chức lễ cưới tại nhà gái. Lúc này, người trưởng họ sẽ đại diện hai gia đình tuyên bố cuộc hôn nhân của chàng trai, cô gái Ê Đê được chấp nhận theo luật tục, rồi ông đưa chiếc vòng đồng cho đôi vợ chồng trẻ chạm tay vào để chúc phúc vợ chồng sống hạnh phúc trọn đời bên nhau.

Đến nay, cuộc sống đã có nhiều thay đổi lớn, bà con tổ chức lễ cưới hiện đại hơn nhưng các nghi thức trong lễ hỏi chồng vẫn còn duy trì phổ biến hầu khắp các buôn làng Ê Đê ở Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên ■