Canh bột lá yao trong ngày Tết của người Ê Đê

Trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, đến với Tây Nguyên, nhiều người không chỉ ấn tượng bởi cảnh thác nước, núi rừng thiên nhiên hùng vĩ, những nương rẫy cà-phê bạt ngàn trổ bông trắng xóa mà còn bị thu hút bởi những món ăn lạ mang đậm hương vị núi rừng của đồng bào dân tộc Ê Đê, trong đó, phải kể đến món canh bột lá yao. Đã ăn món này thì thật khó quên.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày đầu năm mới, đồng bào Ê Đê sum vầy bên bếp lửa uống rượu cần, thưởng thức món canh bột lá yao và trò chuyện rôm rả.
Ngày đầu năm mới, đồng bào Ê Đê sum vầy bên bếp lửa uống rượu cần, thưởng thức món canh bột lá yao và trò chuyện rôm rả.

Canh bột lá yao là món ăn truyền thống được người Ê Đê nấu mỗi dịp Tết đến, Xuân về và các dịp đặc biệt như cưới hỏi, ma chay... Vào những ngày này, trong căn bếp trên ngôi nhà dài truyền thống, phụ nữ Ê Đê luôn tất bật, người thổi bếp, người giã gạo với lá yao, người gọt đu đủ, người cắt lõi chuối để chuẩn bị nấu canh bột lá yao.

Chị H’Ngăm Niê ở buôn Kwang A (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, không rõ món canh bột lá yao có nguồn gốc từ đâu, chỉ biết rằng đây là món canh truyền thống từ lâu đời.

Mỗi khi Tết đến Xuân về hoặc dịp đặc biệt, người Ê Đê lại nấu món canh này nên nhiều người còn gọi là món ăn đoàn viên. Để nấu món canh bột lá yao, cần có nhiều nguyên liệu, gia vị kết hợp tạo nên như thịt hoặc xương heo hoặc vếch bò (phần đầu ruột non của bò), cây môn thục, cà đắng phơi khô, đu đủ xanh, gạo, lá yao (một loại lá rừng có vị ngọt, mùi thơm), lõi chuối, củ nén, muối, ớt, bột ngọt, trong đó lá yao là quan trọng nhất. Trước kia, lá yao chỉ có ở trên rẫy, trong rừng nên phụ nữ Ê Đê phải vào rừng hái lá từ hôm trước. Khi hái thường chọn những lá vừa già tới, có màu xanh đậm, không hái lá non vì món canh sẽ không có được màu xanh đẹp mắt.

Theo chị H’Ngăm, cách nấu canh bột lá yao cũng rất cầu kỳ. Gạo sau khi ngâm nước để ráo, sau đó giã chung với lá yao cho tới khi nát đều, mịn như bột. Thịt hoặc xương đem ướp gia vị, các nguyên liệu khác như đu đủ, cây môn thục, lõi chuối được làm sẵn. Khi nấu, cho bột đã giã mịn với lá yao vào nồi nước đang sôi, khuấy đều tay và canh lửa để tránh món canh bị đặc và khét. Sau đó, cho rau rừng vào nồi nêm nếm các loại gia vị vào là được.

Canh bột lá yao thường được ăn kèm với cơm, và các món ăn truyền thống khác của người Ê Đê như: Cà đắng giã muối ớt, đu đủ giã kiến vàng, lá mì (sắn) xào, xôi nếp hấp…

Già làng Y Dhếc Ayun ở buôn Kwang A, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ cho biết: “Món canh bột lá yao thường được đồng bào Ê Đê ăn vào sáng mồng 1 Tết, tượng trưng cho sự ấm cúng, sum vầy của gia đình, dòng họ.

Đặc biệt, đối với những người ở buôn làng đã ăn quen món canh này, khi xa quê lâu ngày họ rất háo hức, mong được trở về quây quần bên gia đình để được thưởng thức canh bột lá yao trong những ngày đầu năm mới”. Còn đối với du khách, khi đến với đại ngàn Tây Nguyên, ai đã một lần được thưởng thức món canh bột lá yao thì sẽ không bao giờ quên.

Anh Nguyễn Văn Khoa, một du khách đến từ thành phố Hà Nội cho biết, vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, gia đình anh vào du lịch ở Đắk Lắk và được một người bạn mời về buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar thưởng thức các món ăn truyền thống của người Ê Đê, trong đó có món canh bột lá yao. “Khi ăn món canh bột lá yao, mình cảm nhận có vị đắng của cà, vị cay của ớt, vị sệt sệt của nước canh, vị beo béo của thịt mỡ và cả mùi thơm dịu của lá yao… khiến mình không thể quên. Vì vậy, cứ mỗi lần vào Đắk Lắk, mình lại tìm về các buôn làng để thưởng thức món canh độc lạ gần gũi với núi rừng Tây Nguyên này”, anh Khoa tâm sự.

Tết đến, tại các buôn làng đồng bào Ê Đê ở Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên, gia đình nào cũng sum vầy bên bếp lửa hồng vừa uống rượu cần, vừa thưởng thức món canh bột lá yao cùng những món ăn ngày Tết, họ trò chuyện rôm rả từ bàn chuyện làm ăn, bảo vệ văn hóa truyền thống đến dặn dò con cái chăm lo học hành…