Lễ chúc sức khỏe của người Gia Rai

Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, việc chúc sức khỏe cho người lớn trong gia đình là việc rất quan trọng và thường được tổ chức chu đáo, vào những độ tuổi 40, 50, 60. Trong tập quán của người Gia Rai, lễ chúc sức khỏe tùy theo độ tuổi người được chúc mà chọn lựa số lễ vật hiến sinh. Lễ chúc sức khỏe, dù không bắt buộc, vẫn được con cháu thực hiện cho ông bà, cha mẹ để bày tỏ lòng biết ơn, cầu chúc sức khỏe, cầu gia đình làm ăn thuận lợi, may mắn.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ chúc sức khỏe để bày tỏ lòng biết ơn, cầu chúc sức khỏe, cầu gia đình làm ăn thuận lợi, may mắn.
Lễ chúc sức khỏe để bày tỏ lòng biết ơn, cầu chúc sức khỏe, cầu gia đình làm ăn thuận lợi, may mắn.

Lễ chúc sức khỏe không đơn thuần chỉ là tri ân ông bà hay cha mẹ đã nuôi nấng con cháu trưởng thành, cầu xin thần linh phù trợ cho gia đình mọi điều được hanh thông, tốt đẹp mà còn chứng tỏ sự vững bền của đời sống một gia đình, thậm chí là một dòng họ. Người Gia Rai gọi chung các lễ chúc sức khỏe là ngă yang lyh; có nơi còn gọi là lễ đạp rìu (juă jông).

Người Gia Rai có hai hình thức chúc sức khỏe. Một là lễ dành cho người bị đau ốm nhiều năm, lâu ngày chưa khỏi. Lúc này, gia đình bắt buộc phải làm một lễ chúc sức khỏe, cầu mong cho người ốm đứng dậy, vượt qua được hiểm nghèo, gọi là teh bơng dơng ai. Với nghi lễ này, gia đình hiến sinh từ con heo trở lên. Hai là lễ tạ ơn nhằm cầu cho cha mẹ được thêm sức, thêm tuổi… được gọi là teh bơng broi yă. Công việc này được bàn bạc trong gia đình trước một con trăng cùng với sự tham gia hỗ trợ của hàng xóm. Những ai lo làm rượu cần, thịt heo; ai vô rừng tìm các loại măng, rau, củ, quả để làm những món ăn…, tất cả đều được phân công cụ thể.

Đến ngày làm lễ, khi mặt trời mới lấp ló trên đỉnh núi, mấy người trung niên đã nhóm lên đống lửa ngoài vườn. Những tấm lá chuối lành lặn nhất, to rộng nhất được trải đều trên mặt đất. Con heo sau khi thui trên lửa sẽ được đặt lên đám lá chuối ấy để xẻ ra những phần riêng chuẩn bị cho lễ thức: Phần để dâng lên các Yàng, phần để ăn chung bữa cơm cộng cảm cùng gia đình, phần để chia cho người trong buôn mang về.

Những chiếc cột tre được dựng lên, cột chặt ba ghè rượu, tai ghè treo những chiếc vòng đồng. Ghè thứ nhất dâng các thần linh, ghè thứ hai cho tổ tiên ông bà, ghè thứ ba chúc sức khỏe cho người được chúc. Mâm lễ trong chiếc nong lớn đặt ở ghè cột chính giữa gồm: Chiếc đầu và 2 đùi heo, kèm theo 1 tảng thịt vai nướng vàng, 1 con gà luộc và chiếc lưỡi rìu.

Buổi lễ bắt đầu bằng dàn chiêng tấu ba lần. Thầy cúng áo đỏ, khăn đen ngồi vào chỗ. Người được coi là nhân vật chính của buổi lễ ngồi đối diện với ghè rượu chính giữa, chân đặt lên chiếc rìu. Người trong gia đình lần lượt ngồi chung quanh. Thầy cúng hút rượu ra chén đồng rửa tay hai lần cho người được cúng mừng, xong nắm hai tay vào nhau bắt đầu bài khấn các Yàng bốn phương và tổ tiên, xin chúc sức khỏe cho người được mừng. Hết bài khấn, ông lại hút rượu ra chén đồng, mang theo một vài miếng thịt đổ lên vách nhà nơi có cửa sổ mở về phía đông để cáo với Yàng. Ông lại hai lần rót rượu lên mu bàn chân, miệng đọc những lời vần cầu sức khỏe.

Thầy cúng cũng không quên cầu cho gia đình được an lành và may mắn trong công việc làm ăn. Hết bài khấn, ông nâng chiếc rìu để nhân vật cắn răng nhẹ vào, tượng trưng cho sự bền vững về sức khỏe, lẫn gia đình và công việc làm ăn phát đạt. Sau đó, theo thứ tự, con cháu sẽ tặng quà cho người được cầu chúc sức khỏe. Cuối cùng, bà con đến chúc phúc cùng ăn uống chia sẻ niềm vui với gia đình trong tiếng chiêng nhè nhẹ bay bay ngân vang trong suốt quá trình hành lễ.

Ngày nay, lễ chúc sức khỏe vẫn được duy trì, tuy hình thức tổ chức đơn giản hơn nhiều, nhất là phần lễ vật, có thể chỉ vài con gà, vài cân thịt... miễn sao bộc lộ được tình cảm chân thành, sự trân trọng và tri ân ■