Chiếc nhẫn thiêng của người Chu Ru

Srí, tiếng Chu Ru có nghĩa là chiếc nhẫn. Ðối với người Chu Ru, chiếc nhẫn không chỉ là của hồi môn, đồ trang sức, mà còn là tín vật không thể thiếu trong hôn ước, là vật thiêng trong tình yêu đôi lứa. Khi trai gái đã trao nhẫn đính ước cho nhau có nghĩa là trao sự kết nối trọn đời.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Ya Tuất chế tác khuôn đúc nhẫn bạc và sản phẩm srí.
Nghệ nhân Ya Tuất chế tác khuôn đúc nhẫn bạc và sản phẩm srí.

Khi những hạt kania bắt đầu rụng trong rừng, mùa màng thu hoạch xong, cũng là lúc trai gái ở các buôn làng Nam Tây Nguyên bắt đầu mùa cưới. Nắng trải thảm trên những triền đồi, tôi tìm về miền đất có điệu tamya mời gọi và chiếc srí (nhẫn bạc) màu nhiệm, kết nối uyên ương ở huyện Ðơn Dương, tỉnh Lâm Ðồng. “Srí à, đây là vật thiêng trong lễ hỏi, lễ cưới của cộng đồng người Chu Ru. Lễ vật gồm nhiều thứ, nhưng không thể thiếu srí được”, già làng Ya Tuân khẳng định.

Tôi từng thâu đêm với già làng Ya Tuân, một trong những người am hiểu và còn lưu giữ đầy đủ phong tục cưới xin của đồng bào Chu Ru ở huyện Ðơn Dương. Trong ánh lửa bập bùng, già kể: Ngày xưa, thấy chàng trai nhà nào được mắt, nhà gái sẽ âm thầm chuẩn bị lễ vật, chọn một đêm tối trời nào đó sẽ bất ngờ kéo sang. Thương lượng được thì bắt chồng, không được thì cả họ gái kéo nhau về, đợi đến một ngày khác sẽ quay lại.

“Phải đi ban đêm, vì nếu được nhà trai ưng thuận thì tốt, còn không thì đi về trong đêm không mắc cỡ”, già Ya Tuân giải thích. Nếu cả hai dòng họ đồng ý cuộc hôn nhân, cô gái sẽ đến đeo srí kăra (nhẫn trống) cho chàng trai. Trường hợp chàng trai không thích, hôm sau có thể tháo nhẫn để trả lại cho gia đình cô gái… Nhưng đến bảy ngày sau, cô gái tiếp tục đến đeo nhẫn cho chàng trai mình thích và lặp đi lặp lại, đến khi người con trai chấp nhận thì đám cưới diễn ra.

Già Ya Tuân cho biết: “Cơ bản tục bắt chồng của người Chu Ru cũng giống người Cơ Ho ở Nam Tây Nguyên, chỉ khác là nam nữ tộc người Chu Ru được trùm khăn và trao nhau đôi nhẫn bạc trong lễ đính ước. Lễ vật trong đám hỏi, đám cưới của người Chu Ru thường có tiền, vàng, dây cườm, khăn choàng… và không thể thiếu vật thiêng srí. Theo quan niệm của người Chu Ru, khi trai gái đã trao srí cho nhau, có nghĩa là trao sự kết nối trọn đời”.

Hiện cộng đồng người Chu Ru ở Lâm Ðồng có hơn 22,4 nghìn người, nhưng nghề đúc nhẫn bạc truyền thống còn ít người lưu giữ. Chiều nghiêng nắng, tôi tìm về thôn Ma Ðanh, xã Tu Tra, huyện Ðơn Dương ngõ hầu được chứng kiến vợ chồng nghệ nhân Ya Tuất chế tác srí. “Mình đang làm mấy chục chiếc nhẫn cho đám cưới làng bên. Tùy theo lượng người bên nhà trai, nhà gái sẽ đặt số nhẫn để tặng.

Tập tục từ ngàn xưa rồi, srí không thể thiếu trong đám hỏi, đám cưới của người Chu Ru”, nghệ nhân Ya Tuất mở lời. Ðang cùng chồng tạo khuôn đúc nhẫn, bà Ma Wêl, vợ của nghệ nhân Ya Tuất, tiếp lời: “Nhiều người ở các thôn, buôn tại các huyện Ðơn Dương, Ðức Trọng, Lạc Dương…; rồi người Chăm ở Ninh Thuận; cả người Kinh, người nước ngoài khi nghe chuyện srí cũng đến đặt nhẫn cưới, nhẫn làm quà tặng. Tuy số lượng cũng chưa nhiều, nhưng nhẫn bạc của người Chu Ru được nhiều người quan tâm, mình thấy rất vui”.

Ðể có được đôi nhẫn cưới cho cô gái Chu Ru đi bắt chồng, nghệ nhân phải thực hiện khâu chế tác qua nhiều công đoạn, như lấy củi kasiu (một loại cây rừng), nấu sáp, làm hoa văn cho nhẫn, tạo khuôn, nấu bạc, đánh bóng nhẫn... Trong đó, khó nhất là công đoạn tạo khuôn, nếu không cẩn thận nhẫn sẽ bị nứt gãy và xâm kim.

Nghệ nhân Ya Tuất cho biết, nguyên liệu chính để tạo khuôn là sáp ong, dùng sáp nấu chảy và lấy dùi gỗ nhúng vào sáp nóng sau đó để nguội sẽ cho ra một ống sáp tròn, nghệ nhân sẽ cắt thành những khoen tròn lớn, nhỏ để tạo khuôn. Mỗi khuôn bao giờ cũng là hai chiếc nhẫn, chiếc nhỏ dùng cho nữ (srí mơtal - nhẫn mái), nhẫn cho nam (srí kăra-nhẫn trống). Mang khuôn sáp nhúng vào dung dịch phân trâu hòa lẫn với đất, sau đó mang phơi nắng khoảng hai ngày cho khô hoàn toàn.

Bước tiếp theo, mang đốt trên than hồng, sáp bên trong sẽ nóng chảy, phần dung dịch phân trâu còn lại tạo thành một khuôn âm bản. Lúc này nghệ nhân mang bạc nấu chảy đổ vào khuôn sẽ cho ra đôi nhẫn có mầu xỉn đen. Mang nhẫn bỏ vào nồi nước bồ kết rừng đang sôi nấu vài phút sẽ cho ra cặp nhẫn có mầu sáng lấp lánh. Mặt srí kăra thường đính hạt kania, còn srí mơtal thường chỉ có họa tiết nhẹ nhàng.

Nghệ nhân Ya Tuất cho hay, thường mỗi đám cưới họ đặt khoảng 20 đến 30 chiếc nhẫn. Nhiều đám có họ hàng đông thì đặt nhiều hơn. Ðến mùa cưới, khoảng từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau, không chỉ người trong thôn, trong xã mà đồng bào ở khắp nơi trong tỉnh cũng đến đặt làm srí.

Vào mùa nhàn rỗi, Ya Tuất mang srí đến các điểm du lịch ở Ðà Lạt cốt để nhiều người được tận mắt chiếc nhẫn huyền bí của người Chu Ru, sau nữa là chuyện phát triển kinh tế, làng nghề truyền thống. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên cho rằng, srí được phổ biến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một phần là phong tục tập quán, phần nữa là thể hiện sự sang trọng trong đám cưới truyền thống của họ; còn với người Kinh, người nước ngoài, cùng với sức hút văn hóa, có lẽ còn có thêm cả sự hiếu kỳ.

Theo già làng Ya Tuân, người Chu Ru rất đề cao danh dự của dòng tộc, do đó, khi vật thiêng srí đã được trao xem như đã buộc chặt cuộc hôn nhân, sự kết nối vững bền giữa hai dòng tộc. Ðiều này đã làm cho chiếc nhẫn cưới của người Chu Ru thêm thiêng liêng.