Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đến dự.
Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là vị Anh hùng dân tộc có công khai phá bờ cõi phương nam, xác lập chủ quyền ở Đàng Trong, đặc biệt là vùng đất Sài Gòn-Gia Định sau này. Ông, một nhà lãnh đạo văn võ song toàn, một vị tướng tài ba, một nhà quản lý hành chính xuất sắc, đã dùng tài đức của mình để thu phục lòng người, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân.
Cuộc đời và sự nghiệp của Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã có nhiều công lao to lớn. Vốn dòng dõi võ tướng, Nguyễn Hữu Cảnh sớm theo cha chinh chiến, lập được nhiều chiến công, được Chúa Nguyễn Phúc Tần (1620-1687) phong chức Cai cơ.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dâng hương Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. (Ảnh: Dũng Phương). |
Mùa xuân, tháng 2 năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất, đem quân đi kinh lược xứ Đồng Nai, lấy đất Nông Nại Đồng Phố đặt làm phủ Gia Định, lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long, đặt doanh Trấn Biên, lấy Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng doanh Phiên Trấn. Ông tập hợp và chiêu mộ lưu dân; đồng thời, đặt các chức quan, binh để quản lý, tổ chức khai khẩn ruộng đất, định ngạch tô thuế, làm sổ đinh điền, xác lập chủ quyền của Đàng Trong.
Ông qua đời vào ngày 16/5 năm Canh Thìn (1700) tại Sầm Khê (Rạch Gầm, nay thuộc tỉnh Tiền Giang), thọ 51 tuổi. Với những công lao trong việc xác lập chủ quyền ở Đàng Trong và chống giặc ngoại xâm, Chúa Nguyễn Phúc Chu phong tặng Hiệp tán công thần, đặc tiến Chưởng doanh, thụy Trung Cần.
Năm Gia Long thứ 4 (1805), ông được truy tặng Tuyên lực Công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ ty,… liệt vào thượng đẳng công thần, thờ phụ vào Thái Miếu.
Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ công lao Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. (Ảnh: Dũng Phương). |
Ông chính là vị công thần với tinh thần “Trung quân ái quốc” của bậc tiền nhân hết lòng vì nước vì dân, góp phần xác lập chủ quyền, giữ vững lãnh thổ Việt Nam của nhà Nguyễn, tiếp tục khẳng định sự hiện diện và trường tồn của người Việt ở dãi đất phương nam.
Ông đã được nhân dân kính phục, nhớ ơn, tôn thờ. Để tưởng nhớ công lao của ông, ngày nay đền thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng, bảo tồn ở nhiều địa phương.
Sự kiện Lễ Giỗ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh nhằm phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tỏ lòng biết ơn và ghi nhận công đức đối với Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - vị tướng đặt nền móng cho vùng đất Sài Gòn-Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), người có công đầu trong thiết lập hệ thống chính quyền ở vùng đất Nam Bộ.
Ngày 21/6, tại Di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa đã tổ chức Lễ giỗ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh năm 2024. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn cùng nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, thành phố Biên Hòa cùng tham dự.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính tri ân, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, đại biểu và người dân địa phương đã thực hiện nghi thức dâng lễ vật, dâng hương; đọc chúc văn tưởng nhớ công ơn Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh; đồng thời ôn lại lịch sử hơn 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai.
Lễ Giỗ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh lần thứ 324 (1700-2024)
Nguyễn Hữu Cảnh, sinh năm 1650, tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào kinh lược vùng đất phía nam và đặt bản doanh tại cù lao Phố (nay là phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa).
Từ vùng lưu dân sinh sống tự phát, Nguyễn Hữu Cảnh chính thức sáp nhập, quản lý vùng đất mới, định hướng phát triển, thu nạp, chiêu mộ thêm dân, khai khẩn ruộng đất, đặt đơn vị hành chính, chuẩn định thuế, lập bộ tịch đinh điền… tạo cơ sở cho việc phát triển xứ Đồng Nai-Gia Định và cả vùng Nam Bộ sau này.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai dâng hương tại Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. |
Tri ân công lao to lớn của Nguyễn Hữu Cảnh, sau khi ông qua đời người dân Biên Hòa-Đồng Nai tôn thờ như một vị Thần Thành Hoàng, nơi đây chính là điểm ghi dấu bước chân “người đi mở cõi”.
Cũng tại Cù lao Phố, vào ngày 16/5/1700, người dân địa phương đã chiêm bái Đức ông trước khi di quan về an táng tại quê nhà ở tỉnh Quảng Bình sau cơn bạo bệnh trong chuyến công du lần thứ 2 ở miền nam.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh, đây là năm đầu tiên thành phố tổ chức Lễ giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh. Qua đó, thể hiện lòng tri ân công đức của các bậc tiền nhân trong công cuộc khai khẩn và mở cõi vùng đất phương nam.
Đảng bộ và nhân dân thành phố Biên Hòa nguyện tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Học sinh tham gia thi vẽ tranh về các nhân vật lịch sử. |
Dịp này, Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa đã tổ chức hội thi vẽ tranh chủ đề các nhân vật lịch sử, cảnh đẹp vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai. Trước đó, chiều 20/6, tại Di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao cũng được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh năm 2024.