Thành phố Biên Hòa được điều chỉnh quy hoạch thành đô thị dịch vụ và công nghiệp

NDO - Chiều 19/3, một lãnh đạo thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045. Theo đó, Biên Hòa sẽ được chuyển từ mô hình “đô thị công nghiệp” sang “đô thị dịch vụ và công nghiệp”.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Biên Hòa được điều chỉnh quy hoạch thành đô thị dịch vụ và công nghiệp

Cụ thể, phạm vi điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố; 29 phường, 1 xã, với diện tích hơn 26.000ha.

Việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch là chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc “đô thị công nghiệp” sang mô hình cấu trúc “đô thị dịch vụ và công nghiệp”; hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững.

Mục tiêu đặt ra là phát triển thành phố Biên Hòa trở thành một trong các cực tăng trưởng trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam; có vai trò quan trọng trong vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh; phát huy thế mạnh kết nối vùng và quốc tế về dịch vụ thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.

Tạo lập không gian đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng xã hội hiện đại, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố.

Hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa, lịch sử đặc trưng; bảo đảm các yêu cầu về quốc phòng-an ninh của vùng và quốc gia.

Thành phố Biên Hoà là đô thị loại I, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai, có vai trò là đô thị hạt nhân trong vùng đô thị trung tâm của tỉnh. Hiện là một trong các trung tâm công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, du lịch, khoa học-công nghệ, giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, Biên Hòa là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng trong vùng Đông Nam Bộ, gắn với đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, là địa bàn trọng điểm chiến lược về quốc phòng-an ninh của vùng cũng như của cả nước.

Dự kiến, đến năm 2030, thành phố Biên Hoà có quy mô dân số từ 1,5-1,6 triệu người; năm 2045 đạt từ 1,9-2 triệu người.

Hiện nay, Biên Hòa đang có số dân khoảng 1,2 triệu người, là đơn vị cấp huyện có số dân lớn nhất cả nước (Ngoại trừ thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh theo cơ chế đặc thù của Quốc hội).

Với dân số trên, Biên Hòa đang có số dân đông hơn khoảng 30 đơn vị cấp tỉnh trong cả nước. Hàng năm Biên Hòa lại phải tiếp nhận thêm một lượng người khá lớn từ khắp mọi miền đất nước đến làm việc, sinh sống.

Điều này, đặt ra áp lực rất lớn cho hệ thống chính trị tại địa phương, nhất là giải quyết vấn đề giáo dục, y tế, giao thông, nhà ở cho người dân và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.