Lễ cúng nhà rông

Theo phong tục của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, nhà rông không chỉ là nơi sinh hoạt, hội họp, tổ chức các lễ hội của cộng đồng mà còn là chốn linh thiêng, biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng chung của cộng đồng. Sau khi di dời hay tu sửa lại nhà rông, một lễ cúng Yàng (Thần) phải được tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà rông làng Ốp (phường Tây Sơn, TP Pleiku), nơi tổ chức các hoạt động văn hóa của người dân. (Ảnh Đức Thụy)
Nhà rông làng Ốp (phường Tây Sơn, TP Pleiku), nơi tổ chức các hoạt động văn hóa của người dân. (Ảnh Đức Thụy)

Đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, quan niệm nhà rông là nơi thu hút khí thiêng của đất trời để bảo trợ cho dân làng, là nơi trang trọng để các vị thần linh trú ngụ. Nhà rông được dựng cao và to rộng còn thể hiện sự mong muốn của người dân về sự thịnh vượng, sung túc, hùng mạnh của làng. Ngày nay, nhà rông còn là nơi diễn ra các hoạt động mang tính cộng đồng như sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao và là địa điểm để họp dân phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trao đổi các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đến nhân dân. Nhà rông cũng là nơi để khách đến tham quan, trải nghiệm và cùng với người dân tham gia các trò chơi dân gian, điệu múa... mang đậm bản sắc văn hóa cổ truyền Tây Nguyên.

Đối với cư dân bắc Tây Nguyên nói chung, người Gia Rai, Ba Na ở Gia Lai nói riêng, nghi lễ mừng nhà rông được coi là lễ hội lớn nhất trong các nghi lễ. Lễ hội này được tiến hành ngay tại nhà rông của làng. Theo truyền thống, già làng và những người giúp việc sẽ cho dựng một giàn tế nhỏ ngay dưới chân cầu thang nhà rông để làm lễ. Khi thực hiện nghi lễ, già làng sẽ khấn, cầu xin thần linh tiếp tục giúp đỡ để cả cộng đồng được mạnh khỏe, bình yên và có những mùa vụ sắp tới tốt tươi. Lễ vật thường là hai con heo, ba con gà và từ năm đến sáu ghè rượu cần để tế thần linh; ngoài ra, mỗi gia đình thường đóng góp một ghè rượu xếp vào các cột trong nhà rông để sau phần lễ, tất cả dân làng sẽ cùng chung vui.

Sau khi các già làng chính đọc lời khấn, các già làng phụ việc lấy huyết gà trộn với rượu để ngay chân nhà rông. Thanh niên trong làng chuẩn bị nến, ghè, chén đồng, bầu và ghè rượu, thịt... bố trí theo đúng yêu cầu của già làng. Theo đó, ghè rượu cúng tế thần linh được cột ngay chính giữa nhà rông, vị trí quan trọng nhất. Ghè rượu thứ hai được cột chỗ dựng cây nêu có sẵn trong nhà rông và sau đó là các ghè của hộ gia đình cột nối theo.

Công tác chuẩn bị xong, những người già có uy tín trong làng bắt đầu hướng về phía mặt trời mọc, đồng thanh đọc lời khấn, sau đó lấy rượu pha với huyết đổ từng cột nhà rông, rồi các già làng cùng nhau uống rượu trước. Sau khi làm xong những nghi lễ ở ngoài sân, các già làng tiến vào nhà rông, buộc một ghè rượu cúng vào cây nêu cố định có sẵn đã được trang trí ở chính giữa nhà rông đối diện cửa ra vào; rượu hòa với huyết sẽ được dùng làm nước tẩy rửa những vật linh thiêng, quét lên từng cột nhà rông. Sau các nghi thức, dàn trống chiêng bắt đầu nổi lên, người dân cùng tham gia đánh chiêng, múa hát quanh sân nhà rông, tạo nên không khí vui tươi, hạnh phúc... ■