Lễ cúng giọt nước của đồng bào Gia Rai

Cho đến nay, đồng bào Gia Rai ở tỉnh Gia Lai vẫn duy trì được nhiều nghi lễ văn hóa truyền thống quan trọng như lễ cúng nhà mồ, lễ mừng lúa mới, lễ cúng giọt nước..., trong đó, lễ cúng giọt nước là một trong những nghi lễ quan trọng nhất, vì họ quan niệm giọt nước là mạch nguồn của sự sống.
0:00 / 0:00
0:00
Giọt nước (nơi lấy nước) là nơi thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của dân làng.
Giọt nước (nơi lấy nước) là nơi thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của dân làng.

Với người Gia Rai, giọt nước không đơn thuần là nơi tập trung lấy nước phục vụ sinh hoạt, cùng nhau chuyện trò sau một ngày lao động vất vả mà qua hình ảnh thân thương này, bà con còn thể hiện ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp.

Giọt nước làng, không chỉ mang dấu ấn thời gian, nét đẹp văn hóa lâu đời của người Tây Nguyên nói chung, người Gia Rai nói riêng mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của dân làng.

Người Gia Rai cho rằng, sống chung với nhau là chung một cội nguồn, uống chung giọt nước là sự gắn kết bền chặt, đó là truyền thống từ bao đời nay của dân làng. Bến nước còn là nơi kết duyên của biết bao đôi trai gái trong làng. Đối với người làng, bến nước được ví như một phần hồn, cùng với tiếng chiêng, điệu xoang và mái nhà rông đã tạo nên nét văn hóa vô cùng đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên, khiến những ai đi xa đều phải nhớ về.

Lễ cúng giọt nước của người Gia Rai còn gọi là Soi Yang Ia thường được tổ chức vào tháng 4 hằng năm, với mục đích cầu mong Thần nước phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật trong buôn làng đều tươi tốt, không có bệnh dịch xảy ra.

Trước khi tổ chức lễ cúng giọt nước, già làng tổ chức họp dân huy động đóng góp, giao nhiệm vụ cho từng gia đình để chuẩn bị cho buổi lễ. Phụ nữ đảm nhận việc làm sạch sẽ đường làng, ngõ xóm, dọn dẹp khu vực đường xuống giọt nước. Thanh niên vào rừng chặt tre, nứa đan thành các vòm hoa văn, dựng một cây nêu tại khu vực làm

lễ cúng. Người già chuẩn bị trang phục truyền thống, các bài văn tế trong lễ tế thần nước. Ngoài ra, các đội cồng chiêng, múa xoang của làng cũng tranh thủ tập luyện để biểu diễn trong ngày cúng giọt nước.

Khi lễ cúng giọt nước bắt đầu, già làng cùng 2 người già uy tín của làng trải lá chuối, bôi gan gà lên tai ghè rượu và lá cây Ngăl có trái. Cả 3 người đều đồng thanh đọc lời cúng gọi Yàng (Thần) xuống phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật tươi tốt, không có bệnh dịch xảy ra; cầu cho nước chảy quanh năm, qua sông, qua suối không chết trôi, chết đuối, đi đường không bị tai nạn, cầu mong khách thượng lộ bình an…

Kết thúc lời khấn, bắt đầu từ già làng, lần lượt sau đó tất cả người dân đều xuống giọt nước để hứng nước vào các bầu, chai. Sau đó, bà con lấy nước rửa mặt, rửa tay, chân, tạt vào người nhau để hứng lấy may mắn Yàng ban cho. Tiếng cồng chiêng nổi lên, dân làng nắm tay nhau đoàn kết nhảy điệu xoang, uống rượu ghè, chúc nhau những lời chúc may mắn.

Theo già làng Dun (làng Do Guah, xã Chư Á, thành phố Pleiku), người Gia Rai xem nước là mạch nguồn của sự sống. Vì vậy, trước khi chọn đất lập làng, bà con phải tìm được nguồn nước bảo đảm sinh hoạt cho cộng đồng, vị trí giọt nước có thể ở đầu hoặc cuối làng. Khi xác định được nguồn nước phù hợp, bà con tiến hành khơi thông mạch nước và lắp đặt ống lồ ô, tre để thuận lợi cho việc lấy nước sử dụng. Tiếp đó, dân làng tổ chức cúng giọt nước để tạ ơn Yàng đã ban cho nguồn nước sạch.

Lễ cúng giọt nước của người Gia Rai ở tỉnh Gia Lai được xem là một trong những nét văn hóa từ ngàn đời, còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Hằng năm, ngành văn hóa tỉnh Gia Lai thường xuyên phục dựng các nghi lễ văn hóa, trong đó có lễ cúng giọt nước, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.