Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên tục được đánh giá là một trong những bộ, ngành dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đối số. Trong bốn năm liên tiếp từ 2017 đến 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được đánh giá là cơ quan triển khai hiệu quả và được xếp hạng 2 trong khối bộ, ngành; đứng thứ nhất bảng xếp hạng Chính phủ điện tử khối cơ quan thuộc Chính phủ. Mới đây, tại Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đứng thứ 3 trong Bảng xếp hạng và đứng đầu trong khối cơ quan Trung ương thuộc Chính phủ.
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, tích cực kết nối và chia sẻ
Ðến nay, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của hơn 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; kết nối liên thông với gần 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh; có khoảng hơn 620 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc… Ðây là tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên môi trường số.
Ðặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn đi đầu trong việc tham gia, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành. Ngay khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành, khai thác, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên được Bộ Công an triển khai kết nối, chia sẻ, đồng bộ thông tin công dân. Tính đến hết tháng 9/2022, hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác thực gần 52 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ðồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ trên 61 triệu lượt bản ghi thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Với nguồn cơ sở dữ liệu bảo hiểm dồi dào và nền tảng công nghệ thông tin phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam với các bộ, ngành đã góp phần hiệu quả trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, vì quyền và lợi ích của người dân, đơn vị và doanh nghiệp.
Ðồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành để "làm giàu" thêm cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp như: Kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu khai sinh, khai tử, hưởng chế độ tử tuất, mai táng phí với Bộ Tư pháp (thực hiện liên thông đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố); chia sẻ dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh, bàn giao toàn bộ cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế cho Bộ Y tế để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử; bổ sung, điều chỉnh, chuẩn hóa dữ liệu trao đổi, chia sẻ với Tổng cục Thuế; duy trì việc kết nối, cung cấp số liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kết nối, chia sẻ dữ liệu và xác thực thông tin để hoàn thiện dữ liệu về học sinh, sinh viên với Bộ Giáo dục và Ðào tạo; chia sẻ, khai thác nhóm thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội… Có thể thấy, với nguồn cơ sở dữ liệu bảo hiểm dồi dào và nền tảng công nghệ thông tin phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam với các bộ, ngành đã góp phần hiệu quả trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, vì quyền và lợi ích của người dân, đơn vị và doanh nghiệp.
Quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ, toàn diện
Tại Hội nghị Chuyển đổi số ngành Công an nhân dân lần thứ nhất vừa được tổ chức ngày 10/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao công tác phối hợp giữa Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong triển khai đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc liên thông dữ liệu giữa hai ngành tạo sự thuận tiện rất lớn cho người dân trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, việc triển khai tính năng này trên môi trường số cũng góp phần ngăn chặn, giảm tiêu cực, trục lợi trong lĩnh vực này.
Theo đó, để triển khai thí điểm công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh, nâng cấp phần mềm phục vụ tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; đồng bộ số căn cước công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu người tham gia bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý.
Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phối hợp Bộ Công an, Bộ Y tế triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân gắn chíp nhằm xác thực chính xác danh tính người bệnh khi làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, hạn chế tối đa tình trạng trục lợi. Tính đến hết tháng 9/2022, toàn quốc đã có 11.556 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (chiếm khoảng 90,2% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc) với hơn 3,1 triệu lượt tra cứu…
...thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế làm trung tâm...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh
Thực hiện Quyết định số 749/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và Quyết định số 942/QÐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", đánh giá mục tiêu đến năm 2025, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Nhận thức rõ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay tác động rất lớn đến các mặt công tác của ngành, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế làm trung tâm; hướng tới mục tiêu hoàn thiện ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam số, đem lại hiệu quả trong quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.