Chiến lược mới phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới

Ngày 23/7/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2020. Thực hiện Chiến lược này, toàn ngành bảo hiểm xã hội đã tập trung triển khai nhiều giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong đó, về mở rộng diện bao phủ, số người tham gia bảo hiểm xã hội năm 2020 tăng 46,1% so năm 2013, trong đó số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng gấp 6,6 lần; số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng 53,3%. Cũng trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm số người tham gia bảo hiểm y tế tăng khoảng 6%; ngay từ năm 2016, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã đạt 81,88% dân số; vượt 1,88 điểm phần trăm so với mục tiêu đến năm 2020.

Công tác cải cách hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng có những bước tiến lớn. Số giờ nộp bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp từ 335 giờ vào năm 2015 đã giảm xuống còn 147 giờ vào năm 2018; hơn 70% số thủ tục hành chính được cắt giảm. 

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, quản lý khoảng 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, hơn 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, khoảng 88 triệu người tham gia bảo hiểm y tế; hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế được kết nối tới gần 1.300 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. 

Đến nay, tất cả dịch vụ công của ngành đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4; 15 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ cuối năm 2020, ngành chính thức triển khai ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số trên nền tảng di động…

Những kết quả nêu trên cho thấy, chúng ta cơ bản đạt được những mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2020. Những thành công đó giúp ổn định và phát triển đời sống nhân dân nói chung, người lao động nói riêng, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội.

Để đáp ứng những yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ những định hướng, mục tiêu và giải pháp lớn trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó có những vấn đề cụ thể liên quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. 

Để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; đồng thời giải quyết những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn, việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là hết sức cần thiết. 

Có thể thấy, việc xây dựng chiến lược có những thuận lợi cơ bản như: Hệ thống các mục tiêu quan trọng được xác định rõ tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; nhiều chủ trương, giải pháp lớn cũng được thể hiện cụ thể tại Nghị quyết số 21 năm 2012 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 28 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương; Kết luận số 92 năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương… Trong đó, nhiều nội dung đã và đang được thực hiện, tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoạch định chiến lược.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho chúng ta thấy rõ những thách thức trong thực hiện mục tiêu của chiến lược giai đoạn mới, như: Phấn đấu đến năm 2030 đạt 60% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp… Bởi vậy, việc tổng kết thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng các giải pháp khả thi trong chiến lược là vô cùng quan trọng.