Thiếu hụt nguồn nhân lực số
Phát triển kinh tế số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Nhà nước xác định cần phải thực hiện thành công để đất nước “bắt kịp, tiến cùng” với các quốc gia khu vực và thế giới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo nên những đặc trưng của nền kinh tế số là dựa trên dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo... Do đó, điều kiện cần để triển khai và hiện thức hóa nền kinh tế số là một nguồn nhân lực bảo đảm về: thể lực, trí lực (có trình độ công nghệ thông tin, có năng lực làm chủ các thiết bị công nghệ số, vận hành nó trong quá trình sản xuất, kinh doanh...), văn hóa (phẩm chất đạo đức, kỷ luật...). Những quốc gia có nền kinh tế số phát triển đều sở hữu một nguồn nhân lực số dồi dào, có trình độ công nghệ cao. Nhiều nước châu Âu còn đặt mục tiêu đến năm 2030 có 5% dân số làm công nghệ thông tin (CNTT).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 7/2022, trong số hơn 13 triệu nhân lực có trình độ từ đào tạo nghề sơ cấp trở lên, nhân lực có trình độ từ đại học trở lên có khoảng hơn 5 triệu người, chiếm 44%. Đây là yếu tố quan trọng để nguồn nhân lực Việt Nam chuyển đổi và thích ứng với công nghệ số. Tuy nhiên, có một thực tế là Việt Nam lại đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực số. Theo số liệu của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số công bố tháng 8/2022, tỷ lệ nhân lực CNTT ước đạt 1% trong tổng số 51 triệu lao động tại Việt Nam. Trong khi, về kỹ năng, Việt Nam chưa có chuẩn kỹ năng số quốc gia mà chỉ có chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT được ban hành từ 2014.
Về chất lượng, chỉ có khoảng 30% kỹ sư, cử nhân mới ra trường đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc. Mặt khác, chỉ 40% doanh nghiệp có đủ kỹ năng CNTT và truyền thông để duy trì, khai thác hệ thống công nghệ số. Dự báo đến năm 2023, toàn ngành sẽ thiếu hụt khoảng 1 triệu lao động. Ngoài ra, trong Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), trong nhóm các nước ASEAN, Việt Nam xếp nhóm cuối trong bảng thứ hạng về lao động có chuyên môn cao, thứ 81/100, sau Thái Lan và Philippines.
Nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ, có thể đạt 74 tỷ USD vào năm 2030 nhưng sẽ khó thành hiện thực nếu không giải được bài toàn về nguồn nhân lực số. Hơn nữa, cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực số ngày càng nhiều, trong khi lực lượng lao động cung ứng lại thiếu hụt là sự lãng phí rất lớn.
Lấp đầy khoảng trống nhân lực số thông qua đào tạo. (Ảnh minh họa) |
Nâng cao vai trò của giáo dục-đào tạo
Sự thiếu hụt nguồn nhân lực số ảnh hưởng lớn đến tốc độ hiện thực hóa nền kinh tế số. Do đó, lấp đầy khoảng trống nguồn nhân lực số, bảo đảm từ số lượng đến chất lượng, kỹ năng là yêu cầu cấp thiết. Để phát triển và sở hữu được nguồn nhân lực số, vai trò của giáo dục-đào tạo được đánh giá là hết sức quan trọng, mang tính chiến lược.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng từng nhấn mạnh tầm trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong quá trình phát triển đất nước nói chung và mục tiêu chuyển đổi số nói riêng: "Chính phủ đã giao việc nghiên cứu, thành lập các trường đại học số. Chúng ta từng có khoa Công nghệ thông tin rồi các trường liên quan đến công nghệ thông tin, giờ phải phát triển đại học số, các khoa số thuộc các trường để góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước".
Thực tế, trong đề án Nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đặt mục tiêu đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn để làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc. Cụ thể, 100% các trường "đại học số" phải hoàn thiện được mô hình tổ chức số, quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở và được đầu tư trang bị đồng bộ hạ tầng, nền tảng công nghệ, trang thiết bị học và thực hành, sẵn sàng tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số. Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại học số sẽ là một giải pháp đột phá giúp Việt Nam nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số, không chỉ phục vụ công cuộc chuyển đổi số trong nước mà cho cả những nước khác.
Có thể thấy vai trò của giáo dục-đào tạo luôn được đánh giá đúng nhưng thực tế triển khai lại chưa thực sự hiệu quả. Vì thế, khâu đào tạo cần phải đổi mới cả về tư duy, mô hình và cơ cấu dựa trên đặc trưng của nguồn nhân lực số. Theo đó, thí điểm và thực hiện mô hình đại học số là một trong những giải pháp cần ưu tiên thực hiện sớm. Ngoài ra, cần xây dựng nhiều chương trình đào tạo có chất lượng về công nghệ thông tin, viễn thông, kỹ năng ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong lao động sản xuất cho học sinh ngay từ bậc học phổ thông. Nội dung, phương pháp đào tạo luôn được cập nhật mới, để phù hợp sự phát triển của các công nghệ mới.
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa các trường và khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà trường và người học nhằm tăng cường sự trao đổi và phối hợp, tạo hiệu quả trong quá trình đào tạo. Bên cạnh đó, cần mở rộng hợp tác quốc tế trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ và nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo theo chuẩn quốc tế...
Quan trọng hơn, vai trò then chốt, dẫn dắt của Chính phủ về cơ chế, chính sách cho sự phát triển công nghệ số và nhân tố trung tâm của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, chuyển đổi và thích ứng với công nghệ số ở mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nước ta sở hữu một nguồn nhân lực số dồi dào, bảo đảm về chất và lượng.