Tại Kỳ họp thường kỳ lần thứ 7, Quốc hội Lào khóa IX đang diễn ra ở thủ đô Vientiane, Bộ trưởng Công chính và Vận tải Lào, ông Ngampasong Muongmany đã trình bày báo cáo về kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng với tuyến hành lang kinh tế hội nhập, kết nối với khu vực và quốc tế để phục vụ vận tải hàng hóa xuyên biên giới và du lịch.
Theo Bộ trưởng Công chính và Vận tải Lào, nhằm thực hiện chiến lược biến Lào từ một nước không giáp biển trở thành một quốc gia kết nối dịch vụ vận tải của khu vực và quốc tế, Bộ Công chính và Vận tải Lào đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng nhằm kết nối với khu vực và quốc tế.
Một trong những ưu tiên trong kế hoạch phát triển của Bộ Công chính và Vận tải Lào đó là phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải với nhiều hình thức để kết nối với khu vực, liên kết với các nước láng giềng cũng như ở trong nước. Theo đó tập trung tổ chức thực hiện phát triển mạng lưới đường bộ như: tập trung nâng cấp và cải tạo các tuyến đường quốc lộ như tuyến đường 13 Bắc (AH12), đường 13 Nam (AH11), đường 2E và 2W (AH13), đường số 12 (AH131), bao gồm cả tuyến đường số 8 kết nối đến cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và tuyến đường số 12 (AH131) kết nối đến cửa khẩu quốc tế Cha Lo của Việt Nam…
Ngoài ra, Chính phủ Lào cũng đang thúc đẩy khối tư nhân trong và ngoài nước nghiên cứu tính khả thi của tuyến đường cao tốc, phát triển mạng lưới đường sắt đi đôi với việc tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng và cung ứng dịch vụ của tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc. Cùng với đó tiếp tục tập trung phát triển tuyến đường sắt Lào-Thái Lan từ thủ đô Vientiane (Lào) đến tỉnh Nongkhai (Thái Lan).
Trong kế hoạch mở rộng mạng lưới đường sắt khác, Chính phủ Lào hiện đang nghiên cứu tính khả thi của các tuyến đường sắt từ thủ đô Vientiane - Thakhek - Mụ Giạ (Việt Nam) và tuyến đường sắt từ Savannakhet - Lao Bảo, đồng thời tiến hành huy động vốn để nghiên cứu tính khả thi của tuyến đường sắt Lào-Campuchia.
Việt Nam và Lào có chung đường biên giới. Việc tích cực cải tạo, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ của Lào kết nối đến các cửa khẩu quốc tế giữa Lào và Việt Nam sẽ giúp nâng cao năng lực vận tải, rút ngắn khoảng cách giữa các cửa khẩu với cảng biển, giảm thời gian chạy xe, qua đó giảm được chi phí vận tải, giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tai nạn giao thông, tăng cường kết nối hành lang Đông-Tây, thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam với Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước.