Trước đó, vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 8/11, lực lượng liên ngành gồm Quản lý thị trường, Công an và chính quyền thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thu mua lúa, ngô, đậu đỗ các loại, do ông Lục Đức Khón làm chủ, tại thôn Na Đẩy, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương (Lào Cai).
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện người lao động tại đây đang xay mịn lá dứa xanh để trộn vào gạo Séng Cù, nhằm tạo ra gạo Séng Cù xanh, cung ứng cho khách hàng.
Lá dứa tươi được giã mịn để trộn vào gạo Séng Cù bản địa để tạo ra gạo Séng Cù xanh, tại chủ hộ kinh doanh ở thôn Na Đẩy, thị trấn Mường Khương. (Ảnh: ĐĂNG NĂM) |
Theo ông Lục Đức Khón, ngày 8/11, có người gọi điện đặt cơ sở của ông làm cho 20kg gạo Séng Cù xanh, bằng cách xay nhỏ lá dứa tươi, sau đó trộn với gạo Séng Cù ở địa phương. Ông Khón đã chỉ đạo nhân công làm gạo Séng Cù xanh để cung ứng cho khách hàng, chưa kịp trộn và đóng túi thì bị lực lượng chức năng phát hiện và ngăn chặn.
Gạo Séng Cù bản địa có hạt thuôn dài, màu trắng đục. (Ảnh: TL) |
Căn cứ theo quy định pháp luật, Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Lục Đức Khón, về hành vi không đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi; đồng thời xử phạt 7,5 triệu đồng do vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh. Ông Khón cũng viết cam kết không tái phạm việc này.
Gạo Séng Cù xanh, do được trộn lá dứa giã mịn để tạo màu. (Ảnh: TL) |
Thời gian gần đây, tại Lào Cai, sản phẩm gạo Séng Cù xanh hay còn được giới thiệu là Séng Cù non, Séng Cù cốm với màu xanh lạ mắt đang được giới thiệu khắp các trang mạng xã hội. Giá của loại gạo này dao động từ 28.000-40.000 đồng/kg, chênh lệch khá lớn so với gạo Séng Cù truyền thống.
Người bán khẳng định chắc nịch đây là gạo được sản xuất tại Mường Khương, tuy nhiên khi hỏi địa chỉ cụ thể để đến xem quy trình xay xát thì người bán đều trả lời quanh co với nhiều lý do như địa chỉ xa, khó tìm hoặc vừa xát thóc xong nên không có sẵn thóc nguyên liệu để xát tiếp.
Nếu hỏi mua loại thóc nguyên liệu để tự xát thì người bán đều khẳng định chỉ bán gạo, không bán thóc hoặc để xát thóc có màu xanh thì phải có rất nhiều kinh nghiệm, nếu tự xát thì không thể giữ được màu xanh cho hạt gạo.
Gạo mang nhãn hiệu Séng Cù xanh được rao bán trên mạng xã hội. (Ảnh: TL) |
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Lào Cai, Séng Cù là gạo đặc sản đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, được canh tác chủ yếu tại huyện Bát Xát và Mường Khương. Sản lượng Séng Cù mỗi năm đạt khoảng 10.000 tấn.
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có hơn 100 cơ sở xay xát, chế biến gạo Séng Cù. Gạo Séng Cù có hình thái đặc trưng là hạt gạo thuôn dài, bụng tròn, hạt gạo có màu trắng ngà hoặc trắng trong tùy vào hình thức phơi, sấy.