Theo đánh giá của nhiều đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu, cơ quan chức năng, tình hình hoạt động xây dựng tại Lào Cai đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi biến động giá cả vật liệu quá lớn; thủ tục pháp lý phức tạp; bị nợ đọng; giá thuê đất cao hơn so với các tỉnh trong khu vực, đang khiến các doanh nghiệp xây dựng đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Rất nhiều khó khăn, bất cập
Nói về điều này, ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai cho biết: Có 5 vấn đề cần giải quyết để gỡ khó cho doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn, đó là: Giải phóng mặt bằng; hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh, thay đổi nội dung quy hoạch dự án đã được duyệt; bố trí địa điểm đổ thải; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư và thanh quyết toán các công trình đã hoàn thành.
“Có những dự án bị “đóng băng” từ 2-3 năm nay, do chính quyền địa phương không giải phóng được mặt bằng để bàn giao cho doanh nghiệp” - ông Long bức xúc.
Ông Bùi Công Khanh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hưng Tín phản ánh, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hai lô đất DV3-LA và DV3- LB ở thành phố Lào Cai kéo dài 17 năm, tỉnh đã chỉ đạo nhiều lần nhưng sự phối hợp của các sở, ngành chức năng vẫn chưa dứt điểm, đến nay vẫn treo tại chỗ, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Theo ông, “sai ở đâu thì sửa ở đó”, tỉnh cần giải quyết dứt điểm, không nên để dùng dằng, kéo dài, gây thiệt hại không đáng có cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Khắc Chanh, Giám đốc Công ty xây dựng Đức Tuấn cho rằng, do “độ vênh” của giá cát xây dựng, sắt thép, máy móc thiết bị thi công được duyệt với giá thực tế thị trường (từ 50-80 nghìn đồng/m3 cát hoặc tấn sắt thép) nên doanh nghiệp càng làm càng lỗ.
Theo ông Chanh, cán bộ khảo sát giá của cơ quan chức năng không sâu sát thị trường, cứng nhắc nên không sát giá thực tế. Do chi phí vật liệu xây dựng chiếm khoảng 65-70% giá dự toán xây dựng công trình, nên việc tăng giá vật liệu xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng, hiệu quả của nhiều dự án, bào mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Khắc Chanh, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Đức Tuấn phản ánh giá vật liệu xây dựng do cơ quan chức năng khảo sát, thẩm duyệt thấp hơn nhiều so với giá thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng. (Ảnh: QUỐC HỒNG) |
Sáu doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng ở địa phương là: Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Tiến, Công ty cổ phần Minh Sơn, Công ty cổ phần Minh Đức, Công ty TNHH Chiến Thắng, Công ty TNHH 1 thành viên xây dựng Công Minh, Công ty TNHH Hồng Ngọc hiện gặp nhiều khó khăn do “3 chậm” là: chậm giải phóng mặt bằng, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chậm thanh toán công trình đã hoàn công.
Do vốn nhỏ, các doanh nghiệp xây dựng phải dựa trên vốn tạm ứng của chủ đầu tư (song hầu hết chỉ được tạm ứng 10-15% giá trị gói thầu), sau là vốn vay ngân hàng, làm xong 1-2 tháng mới được quyết toán. Hầu hết doanh nghiệp xây dựng, từ những công ty nhỏ cho đến các tập đoàn, tổng công ty lớn đều có nợ đọng, nhất là ở khoảng giá trị khối lượng còn lại khoảng 20-25% cuối của dự án.
Tìm giải pháp “gỡ khó”
Khó khăn lớn nhất hiện tại là giá vật liệu đầu vào tăng quá cao, trong khi đó, tiến độ công trình thì không thể dừng lại, nếu dừng là vi phạm hợp đồng nên càng làm càng lỗ.
Trong điều kiện hiện nay, xin giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không phải là giải pháp tốt. Làm thế nào để doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh mới là vấn đề cốt yếu. Đồng thời, tháo gỡ vướng mắc về vấn đề pháp lý, đơn giá cho các dự án cũng là giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản”, ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai nêu ý kiến.
Đại diện Doanh nghiệp Hồng Ngọc đề xuất, nếu công trình chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng chậm tỉnh Lào Cai nên có cơ chế tính lại dự toán phần chưa thi công còn lại về đơn giá theo giá tại thời điểm gia hạn hợp đồng. Tỉnh có cơ chế, điều chỉnh giá thuê đất đối với doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Minh Hiền giám đốc Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Minh Đức kiến nghị, Sở Giao thông Vận tải và Xây dựng Lào Cai cần bổ sung ngay một số đơn giá vật liệu chưa có trong báo giá của cơ quan chức năng, như nhựa, phản quang…, nâng giá nhân công và vật liệu xây dựng sát với thực tế thị trường.
Ông Nguyễn Chí Thái, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Tiến kiến nghị cần giải phóng mặt bằng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhanh hơn để "gỡ khó" cho doanh nghiệp xây dựng và bất động sản ở Lào Cai. (Ảnh: QUỐC HỒNG) |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Nguyễn Trọng Hài cam kết, với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính trong việc thành lập doanh nghiệp, đất đai, đầu tư, xây dựng…
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp xây dựng ở địa phương, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục cụ thể hóa việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc đẩy mạnh quy hoạch bảo đảm chất lượng, có chiến lược và tầm nhìn dài hạn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm; đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với đó, Lào Cai triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và tái định cư tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai các dự án xây dựng.